Bơm xi măng là phương pháp điều trị lún xẹp đốt sống, giúp người bệnh hết đau nhanh chóng, quay lại với sinh hoạt hàng mà không cần dùng thuốc.
Xẹp đốt sống là tình trạng đĩa cột sống bị mất nước và độ dẻo, dẫn tới xẹp lún, gây tổn thương vùng cột sống của người bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây lún xương cột sống như chấn thương cột sống, loãng xương, u thân đốt xương, đa u tủy xương... trong đó, loãng xương là nguyên nhân thường gặp nhất. Bệnh lý này gây ra các cơn đau kéo dài, giảm tầm vận động, ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt và lao động của người bệnh. Ngoài đau tại vùng lún xẹp, người bệnh có thể bị đau thần kinh liên sườn, biến dạng cột sống... Nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh có khả năng gây tàn phế rất cao.
BS.CKI Trần Xuân Anh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, xi măng sinh học Polymethylmethacrylate là vật liệu được ứng dụng ngày càng phổ biến trong y học, đặc biệt là đối với bệnh lý lún xẹp đốt sống. Ưu điểm vượt trội của phương pháp này là cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh quay lại sinh hoạt ngày thường mà không cần dùng thêm thuốc hoặc sử dụng những phương pháp phục hồi chức năng khác.
Sau khi được bơm vào, xi măng sinh học sẽ lan tỏa trong thân đốt sống bị lún xẹp. 2 - 3 giờ sau khi thực hiện thủ thuật, xi măng đông cứng lại, giúp giảm đau đốt sống rõ rệt; người bệnh có thể di chuyển bình thường, thời gian nằm viện ngắn, từ đó tránh được biến chứng do nằm lâu như viêm phổi, loét tì đè, thuyên tắc mạch chi dưới.... Đồng thời, vì không còn gặp phải khó khăn hoặc đau đớn khi di chuyển nên người bệnh có thể vận động tích cực hơn, từ đó giảm nguy cơ loãng xương và tổn thương những đốt sống khác.
Dù bơm xi măng cột sống là một thành tựu y học nổi bật, can thiệp tối thiểu, hiệu quả, bền vững, ít tai biến nhưng không phải người bệnh lún xẹp đốt sống nào cũng đều có thể điều trị bằng phương pháp này. Bơm xi măng sinh học thường được chỉ định trong trường hợp người bệnh xẹp đốt sống tự phát do loãng xương, chấn thương ở người bệnh loãng xương hoặc do khối u ác tính; xẹp đốt sống gây đau cấp tính, người bệnh đã điều trị bằng những phương pháp như dùng thuốc giảm đau, nẹp lưng, nghỉ ngơi, nhưng kết quả vẫn không thuyên giảm.
Trước khi điều trị bằng bơm xi măng sinh học, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám toàn diện cho người bệnh, chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, mức độ lún xương cột sống. Lúc này, người bệnh nên thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh lý của mình, những loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc bổ, tình trạng dị ứng thuốc tê và thuốc cản quang nếu có... Khi bơm xi măng, bác sĩ cũng cần những thiết bị khác như máy siêu âm, thiết bị theo dõi nhịp tim và huyết áp... nhằm theo dõi tổng quát tình trạng của người bệnh trong quá trình thực hiện thủ thuật. Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn điều trị tại những cơ sở y tế uy tín có trang thiết bị tiên tiến và bác sĩ giàu chuyên môn.
Dù ít khi xảy ra nhưng giống như các phương pháp điều trị bất kỳ bệnh lý nào khác, bơm xi măng đốt sống cũng tồn tại một số nguy cơ, bao gồm nhiễm trùng tại vị trí chọc kim, chảy máu, cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, những triệu chứng thần kinh như tê hay ngứa râm ran, rò rỉ xi măng ngoài thân đốt sống trong quá trình thực hiện thủ thuật, dị ứng thuốc, liệt.
Bác sĩ Xuân Anh chia sẻ, để phát huy tối đa hiệu quả điều trị, sau khi bơm xi măng cột sống, người bệnh cần tiếp tục điều trị loãng xương theo đúng liệu trình, cố gắng giữ an toàn trong các hoạt động sinh hoạt và làm việc hàng ngày, tránh các nguy cơ té ngã, va chạm ảnh hưởng đến cột sống...
Nguồn: Sưu Tầm