Thở bằng miệng, không kiểm soát được căng thẳng, thở không đúng khi tập thể dục là những sai lầm ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Chủ yếu thở bằng miệng
Người có thói quen thở bằng miệng hay bị khô miệng, nghĩa là nước bọt không thể rửa sạch vi khuẩn khỏi miệng. Tình trạng này dẫn đến hôi miệng, nhiễm trùng cổ họng, tai, khàn giọng, các bệnh nha chu: như viêm nướu, sâu răng...
Thói quen thở bằng miệng còn dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp gây huyết áp cao, suy tim. Các nghiên cứu cho thấy thở bằng miệng cũng làm giảm chức năng phổi, làm trầm trọng thêm các triệu chứng và đợt cấp ở những người mắc hen suyễn.
Nghẹt mũi là một lý do phổ biến khiến nhiều người thở bằng miệng. Nghẹt mũi có thể do dị ứng, khối u, Polyp mũi. Theo các chuyên gia, thời điểm duy nhất thực sự cần thiết để thở bằng miệng là khi tập thể dục cường độ cao hoặc nếu mũi bị tắc nghẽn do cảm lạnh hoặc dị ứng. Lúc này, thở bằng miệng tạm thời có thể giúp đưa không khí vào phổi nhanh hơn.
Hít thở bằng mũi có lợi chủ yếu vì cho phép các khoang mũi tăng lưu lượng khí đến động mạch, tĩnh mạch và dây thần kinh; tăng sự hấp thụ và lưu thông oxy; giảm nguy cơ dị ứng, giảm nguy cơ bị ho; hỗ trợ hệ thống miễn dịch; giảm nguy cơ ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ.
Suy nghĩ quá nhiều về hơi thở
Theo bác sĩ Abbas Anwar, Trung tâm Y tế Providence Saint John ở Santa Monica, California, Mỹ, một sai lầm mà nhiều người mắc phải là suy nghĩ quá nhiều về hơi thở của mình. Điều này có thể gây lo lắng, thậm chí gây khó thở hơn.
Để căng thẳng ảnh hưởng đến hơi thở
Căng thẳng có thể gây thở hổn hển nhanh, ngắn. Không chỉ vậy, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng căng thẳng có liên quan đến việc ăn quá nhiều và béo phì khiến việc thở trở nên khó khăn hơn. Khi stress, mỗi người hãy thử thiền, tập tư thế yoga đơn giản. Các hoạt động giúp bản thân tập trung vào hơi thở đều giúp giảm căng thẳng.
Không thở ra hoàn toàn khi tập thể dục
Thông thường, khi tập luyện, các cơ cứng lại, cơ thể gắng sức làm hạn chế hiệu quả của hệ hô hấp. Để đạt hiệu quả cao khi tập thể dục, mỗi người nên hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng để hô hấp cân bằng.
Yếu tố quan trọng nhất để hít thở đúng cách là duy trì lối sống lành mạnh. Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện dung tích phổi và cho phép cơ thể hấp thụ nhiều oxy hơn trong mỗi hơi thở. Ngoài ra, tập thể dục có thể giúp duy trì cân nặng hợp lý.
Duy trì trọng lượng lý tưởng cho phép phổi mở rộng hoàn toàn, ngăn ngừa vấn đề về hô hấp khác. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng hô hấp như ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, làm triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
Thuốc lá là một yếu tố nguy cơ gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, gây khó thở, mệt mỏi và thở khò khè. Do đó, mọi người cũng nên tránh thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ hô hấp.
*Nguồn: Sưu Tầm