Bệnh nhân 64 tuổi bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây hẹp ống sống dẫn đến tê bì, yếu liệt, khỏe mạnh trở lại sau ca phẫu thuật 45 phút.
Ông Hồ Đắc Tuấn (64 tuổi, Hà Nội) bị thoái hóa cột sống cổ đã hơn 10 năm nhưng không điều trị triệt để nên tình trạng ngày càng trầm trọng. Tay chân tê bì, đau nhức, cả ngày đêm luôn có cảm giác như bị dây thừng thắt chặt vào vùng bụng, ăn ngủ không ngon. Dù đã được điều trị bằng nhiều liệu pháp từ Đông y như bấm huyệt, châm cứu, đến Tây y chiếu tia laser, cánh tay robot nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.
Theo BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng Khoa Thần kinh cột sống, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ông Tuấn bị thoái hóa chèn ép tủy sống cổ rất nặng do bị thoát vị đĩa đệm cổ lâu ngày. Triệu chứng yếu tứ chi, đi lại khó khăn do tủy cổ chèn ép ảnh hưởng đến trương lực cơ và gây teo cơ. Người bệnh cũng bị rối loạn cảm giác vùng cột sống ngực, dị cảm tứ chi gây tê bì rất khó chịu.
Qua thăm khám lâm sàng kết hợp với kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI), ông Tuấn được xác định bị phù tủy và cần phẫu thuật gấp để ngăn ngừa nguy cơ yếu liệt, thậm chí là tử vong. Bác sĩ Xuân Anh đã sử dụng kính vi phẫu giúp phóng to đốt sống lên đến 20 lần để nhìn thấy rõ phẫu trường. Với sự hỗ trợ của dụng cụ chuyên dụng, bác sĩ mài gai xương, lấy hết tất cả cấu trúc đĩa đệm hư hỏng chèn ép vào tủy sống, trả lại không gian tủy sống rộng rãi và đặt đĩa đệm nhân tạo để phục hồi chiều cao đĩa đệm.
Bác sĩ bắt nẹp cố định giúp bệnh nhân đạt được chức năng tốt nhất của đĩa đệm. Một thời gian sau, đĩa đệm được hàn cứng, tủy cổ được giải ép sẽ không ảnh hưởng đến dây thần kinh, giúp loại bỏ các triệu chứng khó chịu, phục hồi khả năng vận động cho người bệnh.
Khi phẫu thuật cột sống cổ, nguy cơ yếu liệt là một trong những biến chứng nghiêm trọng cần được kiểm soát chặt chẽ. Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, dưới sự hỗ trợ của kính vi phẫu Opmi Vario 700 Zeiss, kết hợp với các thiết bị phẫu thuật hiện đại, bác sĩ có thể quan sát rõ khu vực tổn thương và thực hiện các thao tác chính xác, ngăn ngừa biến chứng một cách hiệu quả.
Sau khoảng 45 phút, ca phẫu thuật của ông Tuấn hoàn tất. Người bệnh hồi tỉnh ngay lập tức, cảm thấy tay chân không còn tê bì, cảm giác đau thắt ở vùng bụng giảm khoảng 30%. Sau khi mổ, người bệnh đã có thể xuống giường đi lại nhẹ nhàng và tập các bài vật lý trị liệu theo hướng dẫn của kỹ thuật viên để tăng cường sức mạnh các cơ.
"Trước khi điều trị, tôi rất bi quan với sức khỏe. Khi vào viện, tôi chỉ mong sao có thể ngăn bệnh tiến triển đến bại liệt nhưng kết quả thành công ngoài mong đợi. Hiện tôi đã cảm thấy thoải mái, khỏe khoắn trở lại, ăn ngon, ngủ ngon và nhìn cuộc sống tích cực hơn", bệnh nhân chia sẻ.
Theo bác sĩ Xuân Anh, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ phổ biến thứ hai chỉ sau thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng, nhưng hậu quả nặng nề hơn.. Khi bị thoát vị đĩa cột sống thắt lưng, người bệnh bị chèn ép các chùm thần kinh đuôi ngựa và cũng gây ra tình trạng tê yếu. Nhưng ở cột sống cổ, do cấu trúc tủy sống cổ là mô đặc nên khi khối thoát vị chèn ép vào cột sống cổ sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Cột sống cổ chi phối vận động toàn bộ các cơ ở tay chân và cả các cơ hô hấp nên khi chấn thương cột sống cổ trên nền bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây hẹp ống sống cổ sẽ dẫn đến hậu quả như yếu liệt về tứ chi, gây ngưng thở thậm chí tử vong, nhất là ngay sau khi gặp tai nạn.
Để dự phòng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống, bác sĩ Xuân Anh khuyến cáo mọi người nên chú ý tư thế khi sinh hoạt, làm việc, không cúi gập cổ thường xuyên, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động, không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia. Ngay khi chấn thương hoặc có các triệu chứng đau nhức, tê bì nên đến ngay bệnh viện chuyên khoa để được kiểm tra và tư vấn các biện pháp chăm sóc, điều trị phù hợp.
Nguồn: Sưu Tầm