Áp suất, thời tiết thay đổi vào mùa đông có mối liên hệ với việc các cơn đau khớp tăng nặng, nhưng người bệnh có thể thực hiện một số cách để giảm nhẹ triệu chứng.
Viêm khớp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủng tộc hoặc giới tính. Các triệu chứng điển hình của viêm khớp là sưng, đau và cứng một hoặc nhiều khớp. Hai loại viêm khớp phổ biến nhất là viêm màng hoạt dịch do thoái hóa khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA). Tuy nhiên, nhiều người bị viêm khớp cảm thấy cơn đau trở nên tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông.
Theo ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, sự thay đổi của áp suất khí quyển (độ nhạy thời tiết) cụ thể là giảm áp suất có thể làm tăng triệu chứng đau khớp. Áp suất khí quyển ở đây có liên quan đến lực hoặc trọng lượng của không khí xung quanh chúng ta. Áp suất khí quyển giảm có nghĩa là thời tiết xấu đi, có thể bao gồm sự thay đổi nhiệt hoặc sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới, bão...
Sự thay đổi đột ngột và khắc nghiệt của áp suất dẫn tới các triệu chứng khác nhau, bao gồm đau đầu, đau cơ, cảm lạnh... Trong đó, áp suất giảm có thể làm cho cơ, gân và các màng hoạt dịch vốn đã bị viêm giãn nở. Vì vậy, các thành phần trong khớp tiếp xúc với nhau nhiều hơn, dẫn đến tăng đau khớp hoặc cơ, đặc biệt ở những người bị bệnh lý xơ cứng bì. Nhiệt độ thấp còn làm tăng độ nhớt của lớp dịch bôi trơn trong các khớp, làm tăng nặng triệu chứng cứng khớp.
Sự nhạy cảm với thời tiết cũng góp phần gây ra đau khớp gối, rối loạn chức năng vận động và các triệu chứng lâm sàng tổng thể của bệnh viêm màng hoạt dịch khớp gối.
Ảnh hưởng của thời tiết mùa đông lên các khớp còn có thể liên quan đến hoạt động của gene. Một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí về y học Nature Communications cho thấy các gene thúc đẩy hoạt động viêm tăng lên trong những tháng mùa đông ở một số người. Cùng với đó, một số gene ngăn chặn tình trạng viêm cũng hoạt động tích cực hơn trong những ngày thời tiết ấm áp. Đây là lý do một số loại viêm khớp (như viêm khớp dạng thấp) lại trầm trọng hơn vào mùa đông và cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong những tháng mùa hè.
Thiếu vitamin D ở người bị viêm khớp dạng thấp cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau khớp. Nguyên nhân này cũng phổ biến hơn trong những tháng mùa đông do ánh nắng ban ngày hạn chế và mọi người ít quan tâm tới các hoạt động ngoài trời do thời tiết lạnh.
Ở người bệnh viêm khớp nói chung, càng ít bổ sung vitamin D càng có nguy cơ gặp nhiều triệu chứng hơn.
Bác sĩ Hoài Thanh khuyến nghị, để giảm bớt triệu chứng đau khớp vào mùa đông, người bệnh nên tuân thủ các biện pháp sau:
Luôn vận động: Tập thể dục đóng vai trò quan trọng với những người bị bệnh viêm khớp, giúp kiểm soát tốt triệu chứng. Vận động cơ thể cũng là cách giúp giảm cơn đau, tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt khớp, duy trì chức năng, cải thiện năng lượng và tâm trạng. Điều này cũng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh mạn tính ở người viêm khớp như tiểu đường, bệnh tim... Các bài tập phù hợp với người bệnh khớp là đạp xe, đi bộ, bơi lội, yoga hay thể dục dưỡng sinh...
Giữ ấm cơ thể: Bằng cách mặc quần áo ấm, mang bao tay, vớ, tắm hoặc uống nước ấm, dùng túi chườm, chăn điện, ... giữ ấm đặc biệt ở những vị trí dễ bị đau nhức và nhạy cảm như bàn tay, khuỷu tay, đầu gối. Đây là cách giúp người bệnh giảm bớt triệu chứng cứng khớp, tăng cường lưu thông máu, thư giãn cơ bắp...
Bổ sung vitamin D: Suốt những tháng mùa đông, cơ thể rất cần bổ sung vitamin D. Đặc biệt với những người bị viêm khớp, bổ sung đủ vitamin D có thể giảm bớt triệu chứng đau tốt hơn. Liều lượng bổ sung mỗi ngày được khuyến cáo từ 600 IU thông qua thức ăn hoặc sản phẩm hỗ trợ.
Ngoài ra, người bệnh viêm khớp cũng nên tuân thủ việc uống thuốc đúng theo chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa hoặc thăm khám kịp thời nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Nguồn: Sưu Tầm