Vitamin C giúp cải thiện sức khỏe phổi, vitamin D bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Nhiệt độ thay đổi, ô nhiễm không khí tăng, các hạt bụi nhỏ và phấn hoa xâm nhập vào hệ hô hấp dễ gây tổn thương phổi. Một số loại vitamin có thể tăng cường sức khỏe phổi, ngăn ngừa tổn thương tế bào.
Vitamin A
Vitamin A giúp tăng cường khả năng miễn dịch, tái tạo tế bào trong cơ thể. Loại vitamin này tham gia vào quá trình sửa chữa tự nhiên của mô phổi.
Bên cạnh chức năng với sức khỏe phổi, vitamin A có vai trò với sự phát triển của nhiều mô và phôi thai. Tuy nhiên, không nên lạm dụng vitamin A. Đây là một loại vitamin tan trong chất béo, chất dinh dưỡng này được lưu lại trong cơ thể trong một thời gian dài. Dùng quá liều vitamin A kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề về gan và xương. Nam giới nên bổ sung 900 mcg, phụ nữ 700 mcg, trẻ em và thanh thiếu niên cần 300-600 mcg dưỡng chất mỗi ngày.
Các thực phẩm giàu vitamin A gồm: sữa, cá, ngũ cốc tăng cường, cà rốt, bông cải xanh...
Vitamin C
Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy sự hình thành collagen trong da, giúp bảo vệ phổi trước các bệnh mạn tính.
Sự hiện diện của các gốc tự do, độc tố trong phổi do hút thuốc và ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Vitamin C góp phần chống lại gốc tự do và độc tố, đồng thời giúp cơ thể loại bỏ các phân tử có khả năng gây hại này. Dưỡng chất này tiếp tục làm giảm tỷ lệ tổn thương mô phổi, tạo cơ hội cho cơ thể tự sửa chữa.
Theo một nghiên cứu, vitamin C có thể cải thiện chức năng phổi và giảm một nửa tỷ lệ mắc triệu chứng hô hấp trong và sau khi tập thể dục. Những lợi ích tiềm năng chính của chất dinh dưỡng này là do hàm lượng chất chống oxy hóa. Mỗi người nên trái cây họ cam quýt, ớt, ổi, kiwi, bông cải xanh, cải xoăn và quả mọng để có thêm vitamin C.
Vitamin D
Ngoài việc giúp răng, xương chắc khỏe, vitamin D bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, có thể làm giảm nguy cơ khởi phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Theo một nghiên cứu, lượng vitamin D thấp có thể làm tăng nguy cơ thở khò khè, viêm phế quản, hen suyễn, các vấn đề về hô hấp khác. Việc dung nạp dưỡng chất này giúp cải thiện chức năng phổi.
Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D chính. Một số thực phẩm như cá ngừ, cá hồi, cá mòi, hàu và lòng đỏ trứng cũng có nhiều vitamin D tự nhiên. Uống đủ nước mỗi ngày để giúp tăng cường lưu thông máu và loại bỏ các độc tố ra khỏi lá phổi, giúp cơ quan hoạt động tốt hơn.
Bên cạnh dinh dưỡng, các bài tập thở sẽ giúp tăng cường lượng không khí và giữ lại tại phổi lâu hơn, giúp cơ thể hấp thu đủ lượng oxy, làm giảm triệu chứng khó thở, nâng cao sức khỏe tại nhà. Trước tập, mọi người cần chọn một vị trí thoải mái, không khí trong lành.
*Nguồn: Sưu Tầm