Ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, căng thẳng... có thể dẫn đến mộng du, khiến người mắc di chuyển trong vô thức và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Mộng du là một trong các chứng rối loạn giấc ngủ gây ra những hành vi bất thường, do đang trong ranh giới giữa ngủ và tỉnh táo. Triệu chứng xảy ra ở giai đoạn 3 ngủ sâu của chu kỳ giấc ngủ. Mộng du thường xảy ra khi cơ quan vận động của bạn bị đánh thức một phần trong lúc ngủ sâu.
Hiểu các nguyên nhân phổ biến, triệu chứng thường gặp và một số mẹo khắc phục giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn. Một số nguyên nhân phổ biến khiến bạn khó ngon giấc do mộng du như tiền sử gia đình có người thân mắc mộng du, thiếu ngủ trong thời gian dài, tác dụng phụ của một số thuốc an thần. Người uống rượu bia cũng dễ bị tình trạng này.
Chứng ngưng thở khi ngủ khiến đường thở bị giới hạn, khiến tình trạng ngưng thở xảy ra gần 10 lần mỗi đêm, dẫn đến khó ngủ và làm khởi phát chứng mộng du. Hội chứng chân không yên cũng thôi thúc người bệnh di chuyển các chi khi nằm xuống, nhất là vùng chân; thường xảy ra vào ban đêm nên cũng góp phần gây ra mộng du. Căng thẳng cơ (do vận động quá sức lúc thức), căng thẳng do thay đổi chỗ ngủ đột xuất (khi đi du lịch) cũng là một trong các yếu tố chủ yếu gây gián đoạn giấc ngủ, làm tăng xu hướng mộng du.
Nghiên cứu đặc điểm mộng du ở người trưởng thành của Hiệp hội Y học Hành vi Giấc ngủ (Mỹ) cho thấy, trẻ em bị sốt dễ bị mắc chứng mộng du. Nghiên cứu về giấc ngủ đăng trên thư viện Y tế Quốc gia (Mỹ) trên 140 người suốt 5 năm (2007-2011) cho thấy, khoảng 29% trẻ em 2-13 tuổi và 4% người trưởng thành đối mặt với chứng mộng du. Mức độ bệnh lý nghiêm trọng có thể gây ra thương tích, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và gây thiếu tỉnh táo ban ngày. Người thường xuyên gặp tình trạng này có thể cần điều trị.
Chứng mộng du khởi phát qua hành động (như đi bộ) và tùy theo cơ địa mỗi người. Theo báo cáo về mộng du trên tạp chí Medline Plus (Mỹ), mộng du có thể được thể hiện qua nhiều hành động như chạy, mặc quần áo, di chuyển đồ đạc, tiểu tiện không đúng chỗ..). Nó có thể kéo dài trong vài giây đến nửa giờ, thường kết thúc trong khoảng 10 phút. Người mộng du có thể tự trở lại giường và ngủ tiếp hoặc họ có thể thức dậy trong tình trạng mệt mỏi, bối rối; không biết những gì đã diễn ra trước đó.
Thông thường, người mắc mộng du có thể tự khỏi và giảm dần tần suất khi càng trưởng thành. Dựa vào độ tuổi, tần suất và mức độ nguy hiểm của từng cơn mộng du, cách điều trị bệnh lý cũng khác nhau.
Các rối loạn tiềm ẩn như ngưng thở khi ngủ hay hội chứng chân không yên gây ra chứng mộng du cần được điều trị. Một số thuốc an thần cũng gây tác dụng phụ lên chất lượng giấc ngủ. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi liều lượng hoặc chuyển sang loại thuốc khác.
Người mắc chứng mộng du có thể chia sẻ với gia đình, bạn bè về vấn đề này. Chứng mộng du thường xảy ra vào cùng một lúc hằng đêm. Việc này có thể giúp dự đoán thời gian thức dậy để người bệnh được đánh thức trước khi rơi vào trạng thái mộng du. Người bệnh cũng nên thay đổi và vệ sinh thường xuyên không gian ngủ, duy trì nếp ngủ ổn định, thư giãn, tránh uống caffeine hoặc uống rượu bia gần giờ đi ngủ. Chọn loại nệm phù hợp với cơ thể để có tư thế ngủ tốt nhất.
Người bệnh có thể đảm bảo an toàn tại nhà như đặt các vật sắc nhọn xa tầm với, đóng và chốt cửa sổ trước khi lên giường, dọn dẹp các vật chắn trên đường đi lại, lắp đặt đèn cảm biến chuyển động và sử dụng chuông báo động khi có người thân hay mắc mộng du rời giường.
Các chuyên gia giấc ngủ cũng khuyến nghị người đang trong cơn mộng du không nên bị đánh thức quá đột ngột vì họ không nhận thức được tình trạng của bản thân. Họ có thể bị giật mình, cảm thấy sốc, sợ hãi hoặc tức giận nếu bị đánh thức bất ngờ. Lúc này, người thân và gia đình hãy nhẹ nhàng đưa người bệnh về lại giường ngủ và chạm nhẹ để họ thức giấc.
Nguồn: Sưu tầm