Khớp gối, khớp vai, khớp ngón tay, cột sống thắt lưng dễ bị tổn thương và đau nhức nhất trên cơ thể, cần được bảo vệ để tránh nguy cơ thoái hóa.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh (Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), cơn đau nhức có thể xảy ra ở mọi vị trí khớp xương, nhưng các khớp càng hoạt động linh hoạt càng dễ bị đau nhức. Những khớp có tỷ lệ đau nhiều gồm khớp gối 36,98%, cột sống thắt lưng 30,18%, khớp vai 14,2%, khớp ngón tay 9,17%...
Khớp gối: là một trong những khớp chủ chốt của hệ xương khớp, vừa là "trạm điều khiển" cử động của cẳng chân và bàn chân vừa nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể. Vai trò càng lớn rủi ro càng cao, dễ khiến khớp gối bị chấn thương khi khuân vác các vật nặng, chơi thể thao như bóng đá, điền kinh...
Cột sống thắt lưng: trực tiếp thực hiện các chuyển động cúi, xoay hông và uốn cong lưng, đồng thời phải nâng đỡ phần trên của cơ thể. Chính vì phạm vi hoạt động rộng và chịu áp lực cao nên cột sống thắt lưng dễ gặp phải các tình trạng như đau nhức, thoái hóa, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm...
Khớp vai: đau mỏi khớp vai là tình trạng phổ biến của dân văn phòng phải ngồi lâu trước máy tính, người nằm ngủ sai tư thế, công nhân khuân vác, vận động viên các bộ môn như tennis, cầu lông, bóng rổ... Ngoài tác động cơ học, khớp vai bị đau mỏi còn do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hoặc gai xương đốt sống cổ chèn ép lên dây thần kinh.
Khớp ngón tay: tham gia vào hầu hết các công việc thường ngày, bao gồm: xách đồ vật, nấu ăn, giặt giũ... Chúng phải cử động lặp đi lặp lại như: gõ máy tính, cắt tóc, sơn tường... hoặc chơi một số bộ môn bóng bàn, bóng rổ, tennis... Cấu trúc nhỏ nhưng phải đảm nhiệm nhiều hoạt động khác nhau, căng thẳng dồn nén ngày qua ngày, làm khởi phát cơn đau ở các khớp ngón tay.
Đau nhức không chỉ là cảm giác mà còn là tín hiệu cảnh báo những vấn đề xương khớp nghiêm trọng. Nếu cơn đau xuất hiện liên tục với mức độ tăng dần có thể dẫn đến bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp. Các bệnh lý này làm suy giảm chất lượng dịch khớp, bào mòn sụn và xương dưới sụn, hình thành gai xương hoặc thoát vị đĩa đệm. Đây là lý do khiến khớp gối, cột sống thắt lưng, khớp vai và khớp ngón tay đau nhức mãi không dứt.
Bác sĩ Nam Anh cho biết, nhiều bệnh nhân viêm khớp, thoái hóa khớp thường tự chẩn đoán và điều trị bệnh bằng thuốc giảm đau, các phương pháp truyền miệng, thuốc gia truyền... mà không có kiểm chứng khoa học. Vì thế, phần lớn không khỏi bệnh mà nhiều trường hợp gặp tác dụng phụ như đau dạ dày, trữ nước gây phù nề và bị biến chứng như cứng khớp, dính khớp, sụn khớp bị bào mòn nghiêm trọng.
Biện pháp bảo vệ xương khớp toàn thân
"Hệ thống xương khớp của chúng ta cũng giống như chiếc xe máy, nếu chỉ 'chạy' mà không 'bảo dưỡng' thì chúng sẽ hỏng hóc theo thời gian, thậm chí hỏng nhanh hơn tuổi thọ trung bình là điều tất yếu. Do đó, cần chủ động chăm sóc xương khớp từ sớm để nuôi dưỡng khớp chắc khỏe, nâng cao tuổi thọ cho khớp", bác sĩ Nam Anh nói thêm.
Mỗi người cần rèn luyện và tạo dựng lối sống khoa học, lành mạnh khi còn trẻ. Những thói quen cần thực hiện sớm bao gồm: tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì cân nặng hợp lý, tránh xa thuốc lá và hạn chế đồ uống có cồn, vận động đúng tư thế...
Trong trường hợp đau nhức xương khớp do cử động quá mức hoặc vận động sai tư thế, người bệnh có thể xoa dịu bằng các biện pháp đơn giản tại nhà như: nghỉ ngơi, không mang vác nặng, hạn chế chơi thể thao hay tập luyện cường độ cao, chườm lạnh, chườm nóng, xoa bóp... Áp dụng những phương pháp này đúng lúc có thể mang lại cảm giác dễ chịu và góp phần ngăn không để tổn thương lan rộng, làm phá hủy khớp xương.
Bác sĩ Nam Anh chia sẻ thêm, qua nhiều nghiên cứu chuyên sâu, các nhà khoa học phát hiện nguyên nhân sâu xa gây đau nhức khớp là do hệ thống miễn dịch bị rối loạn, phản ứng quá mức với các tác nhân gây hại, phóng thích ra số lượng lớn chất gây viêm (cytokines) dẫn đến tình trạng "tự hủy" xương khớp. Do đó, kiểm soát quá trình viêm là yếu tố quan trọng giúp hỗ trợ ngăn ngừa bệnh lý xương khớp, giảm đau nhức bền vững.
Hiểu rõ cơ chế bệnh sinh viêm khớp, thoái hóa khớp có liên quan đến tự miễn, các nhà khoa học đã tìm kiếm những tinh chất có khả năng điều hòa miễn dịch, ức chế cytokine tiền viêm để giảm đau nhức khớp. Eggshell Membrane, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate... là những tinh chất hỗ trợ cân bằng và ổn định miễn dịch, góp phần thúc đẩy tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn, cải thiện chất lượng dịch khớp, giúp khớp xương chắc khỏe.
Bác sĩ Nam Anh khuyến cáo thêm, nếu khớp gối, khớp vai, cột sống thắt lưng hay khớp ngón tay bị đau nhức dai dẳng dù đã áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà, người bệnh nên đến chuyên khoa xương khớp của bệnh viện để được thăm khám. Từ đó, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp với tình trạng xương khớp hiện tại, giúp giảm đau và hạn chế tối đa nguy cơ phải phẫu thuật thay khớp.
*Nguồn: Sưu Tầm