Thói quen ít vận động, ngồi nhiều hằng ngày có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là những tác động tiêu cực tới hệ xương.
Thống kê cho thấy khoảng 70% người Mỹ dành ít nhất 8 giờ mỗi ngày trước máy vi tính ở văn phòng, sau đó về nhà lại ngồi hàng giờ trước màn hình TV. Lối sống ít vận động, ngồi nhiều ở dân văn phòng không chỉ ảnh hưởng tới tuổi thọ, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mà còn tác động trực tiếp hay gián tiếp tới hệ xương khớp.
Dưới đây là một số vấn đề với xương khớp ở những người có thói quen ngồi nhiều:
Ảnh hưởng tiêu cực đến lưng
Đa số những người làm việc văn phòng ngồi cả ngày có thể bị đau lưng nhưng vấn đề này có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu bạn không cẩn thận.
Ngồi liên tục trong thời gian dài không chỉ thay đổi lực của cột sống và các khớp chịu trọng lượng mà còn ảnh hưởng đến độ dài của các khớp và gân cơ. Những người có thói quen ngồi trong thời gian dài sẽ bị rút ngắn gân kheo (là nhóm các cơ và gân kéo dài dọc theo mặt sau của chân từ gốc xương chậu đến xương ống chân). Khi bị rút ngắn, các gân này đồng thời bị kéo căng, áp vào xương chậu, tạo ra sự sai lệch có thể gián tiếp gây ra chứng đau lưng dưới mạn tính.
Càng ngồi lâu, áp lực lên các đĩa đệm ở cột sống thắt lưng càng lớn, là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến đau thần kinh tọa. Tư thế ngồi cũng gây áp lực rất lớn lên cơ lưng, cổ và cột sống, do đó, hãy chọn chiếc ghế làm việc có chiều cao phù hợp và hỗ trợ lưng của bạn ở nhiều tư thế.
Tuy nhiên, dù có cảm thấy thoải mái khi ngồi thì bạn cũng không nên duy trì quá lâu. Hãy đứng dậy và di chuyển khoảng một hoặc hai phút sau mỗi nửa giờ để duy trì tư thế đúng cho cột sống.
Tăng nguy cơ đau khớp
Ngồi ở bàn làm việc cả ngày không chỉ là thủ phạm gây đau lưng mà còn có thể gây đau khớp. Đầu gối có lớp sụn đóng vai trò làm lớp đệm và nhận dinh dưỡng từ chất lỏng xung quanh khớp gối. Nếu càng vận động, cử động nhiều, phạm vi chuyển động càng tăng thì chất lỏng được trao đổi càng nhiều. Ngược lại, việc ít vận động khiến sụn khớp bị thiếu dưỡng chất, gia tăng đau khớp, đặc biệt khi cử động.
Hãy đi bộ vài vòng quanh văn phòng, chọn đi cầu thang bộ thay vì thang máy (nếu có thể) và đặt lời nhắc trên điện thoại để bản thân ghi nhớ việc cần di chuyển nhiều hơn.
Yếu xương
Hai bộ phận dễ bị ảnh hưởng bởi vấn đề này nhất là chân và mông. Khi ngồi cả ngày, các cơ bắp ở phần dưới cơ thể giúp bạn đứng vững sẽ ít hoạt động, dần dần bị suy yếu và về lâu dài có thể dẫn đến teo cơ. Một người bị yếu cơ chân và cơ mông sẽ khó giữ thăng bằng hơn, tăng nguy cơ bị chấn thương.
Người lớn tuổi không hoạt động có thể dễ bị yếu xương, loãng xương, dần dần không thể thực hiện các hoạt động cơ bản hàng ngày như tắm, đi vệ sinh. Bạn không nhất thiết phải tập thể dục với cường độ cao như chạy marathon hoặc nâng tạ để duy trì khả năng vận động trong những năm tháng vàng son của mình. Việc đơn giản nhất cần duy trì là đứng dậy di chuyển và vận động thường xuyên, tránh ngồi lâu hàng giờ đồng hồ.
Hạn chế dưỡng chất tới khớp
Ngồi quá nhiều có thể làm giảm dinh dưỡng cho khớp theo 3 cách: Áp lực bên trong khớp háng ở mức thấp nhất khi hông bị uốn cong (như tư thế ngồi) khiến sụn không thể lấy chất dinh dưỡng từ dịch khớp. Do ít vận động, áp lực khớp gần như không đổi và quá trình trao đổi chất dinh dưỡng tiếp tục giảm mạnh.
Ngoài ra, tư thế ngồi cũng có thể gia tăng áp lực lên các phần cụ thể của khớp, làm giảm lưu lượng chất lỏng đến phần khớp đó. Như đã đề cập, lớp sụn được nuôi dưỡng nhờ lượng chất lỏng này vận chuyển chất dinh dưỡng. Khi các khớp không được vận động có thể dẫn đến việc phần sụn khớp bị thiếu chất dinh dưỡng và dễ bị tổn thương hơn.
Nguồn: Sưu Tầm