Sau 4 lần tái tạo dây chằng chéo trước bằng gân tự thân thất bại, người bệnh được thay dây chằng nhân tạo và vận động bình thường trở lại sau 5 năm gần như tàn phế.
Anh Nguyễn Hữu Toàn (39 tuổi, An Giang) chia sẻ, anh bị đứt dây chằng vào năm 2017, đã trải qua 4 ca phẫu thuật với 3 lần tái tạo dây chằng bằng phương pháp sử dụng gân tự thân (lấy một phần gân bánh chè, gân chân ngỗng... ghép vào vị trí đứt dây chằng) nhưng đều không thành công. Cụ thể, sau cuộc phẫu thuật đầu tiên, dây chằng làm từ gân tự thân được ghép vào bị tiêu biến, dẫn đến khớp gối vẫn lỏng lẻo và xuất hiện tình trạng tràn dịch. Vì vậy, anh Hữu Toàn buộc phải vào phòng mổ lần thứ 2 để tái tạo lại dây chằng, một đoạn gân khác trên cơ thể tiếp tục bị lấy đi để dùng làm dây chằng. Tuy nhiên, trong vài tháng sau đó, tình trạng lỏng lẻo đầu gối, đi lại khó khăn vẫn không được cải thiện, khớp gối sưng to. Dưới tình hình này, ca phẫu thuật thứ 3 được tiến hành để loại bỏ sưng và các dây chằng cũ, "dọn chỗ" cho lần tái tạo dây chằng tiếp theo. Ca phẫu thuật lần thứ 4 vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp tái tạo dây chằng bằng gân tự thân nhưng một lần nữa, chức năng dây chằng của người bệnh vẫn không được phục hồi.
Sau 4 ca phẫu thuật với 3 lần tái tạo dây chằng bằng gân tự thân được thực hiện liên tục trong hơn 2 năm, dây chằng của anh Hữu Toàn vẫn không thể phục hồi, đi lại khó khăn và mang theo cơn đau dai dẳng kéo dài đến nay. Với mong muốn có thể đi lại bình thường cũng như quay lại với môn bóng đá yêu thích, bất chấp nhiều lần thất bại, anh Hữu Toàn vẫn không ngừng tìm kiếm thông tin về tái tạo dây chằng.
Tìm đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và được ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình thăm khám, người bệnh được chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước của đầu gối chân phải và chỉ định tái tạo dây chằng chéo trước bằng dây chằng nhân tạo. Bác sĩ Anh Vũ cho biết, với tình trạng của người bệnh thì đây là phương pháp điều trị duy nhất vì hai lý do sau:
Thứ nhất, người bệnh đã từng nhiều lần tái tạo dây chằng bị tổn thương bằng gân tự thân. Vì vậy, hiện tại, các "nguyên liệu" có thể dùng để tái tạo dây chằng theo phương pháp sử dụng gân tự thân gần như đã không còn.
Thứ hai, một thời gian dài không thể vận động một cách linh hoạt và tổn thương từ những vị trí lấy gân đã làm cho các cơ của người bệnh có xu hướng yếu đi. Do đó, cần cố gắng để người bệnh có thể sớm đi lại. Với ưu điểm là phục hồi nhanh nên việc sử dụng dây chằng nhân tạo sẽ giúp cho người bệnh có thể nhanh chóng đi lại, từ đó phục hồi sức mạnh của các cơ ở đùi, cẳng chân, vùng bánh chè...
Bằng phương pháp nội soi, bác sĩ Anh Vũ và ekip đã tái tạo thành công dây chằng cho người bệnh. Từ tình trạng suy giảm chức năng vận động chân trái, đối mặt với nguy cơ tàn phế, chỉ trong vòng 30 phút, dây chằng đã được tái tạo. Tất cả các tổn thương do 4 ca phẫu thuật trước đó để lại được loại bỏ, chấm dứt cơn đau kéo dài dai dẳng. Khi kết hợp với các bài tập vật lý trị liệu, người bệnh sẽ có thể nhanh chóng đi lại và chơi thể thao lại sau nhiều năm gián đoạn.
Sau phẫu thuật hai ngày, tình hình sức khỏe của người bệnh đã ổn định, có thể đi lại nhẹ nhàng, không đau và co duỗi chân thoải mái. Người bệnh được xuất viện và đã tự đi lại mà không cần mang nẹp và nạng. Nửa tháng sau, người bệnh đi lại vững vàng gần như bình thường. Hai tháng sau phẫu thuật, người bệnh có thể thực hiện lại các động tác chạy nhảy, tâng bóng...
"Dù rất mong chân có thể lành lại nhưng đây đã là ca mổ lần thứ 5 rồi, nên tôi cũng không dám hy vọng nhiều. Vì vậy, khi nhìn thấy chân mình ngày càng tốt lên, tôi rất mừng", anh Hữu Toàn cho biết.
Bác sĩ Anh Vũ chia sẻ, dây chằng nhân tạo là bước tiến mới trong điều trị chấn thương thể thao. Là một tổ hợp gồm khoảng 3.000 sợi polyethylene bện lại với nhau, dây chằng nhân tạo có độ linh hoạt, mềm dẻo và độ bền cao. Do đó, người bệnh có thể thoải mái vận động mà không lo tình trạng đứt dây chằng tái phát. Một ưu điểm nổi bật khác của phương pháp tái tạo dây chằng bằng dây chằng nhân tạo là thời gian phục hồi nhanh chóng và không cần lấy gân từ các vị trí khác trên cơ thể. Thông thường, sau phẫu thuật 1 - 2 ngày, người bệnh có thể đi lại, sau 2 tháng có thể chạy và sau 6 tháng có thể quay trở lại chơi thể thao. Đồng thời, việc vận động sớm còn giúp tránh được tình trạng teo cơ sau phẫu thuật.
* Tên người bệnh đã được thay đổi.
Nguồn: Sưu tầm