Phương pháp điều trị đau thần kinh tọa được chỉ định tùy theo từng mức độ của bệnh, bao gồm chăm sóc tại nhà, tập vật lý trị liệu, phẫu thuật.
Đau thần kinh tọa là tình trạng cơn đau xuất hiện ở vùng lưng dưới, sau đó lan dần xuống chân, bàn chân, kèm theo các triệu chứng điển hình như: đau nhói, đau dữ dội, ngứa ran, tê yếu... Những cơn đau này thường xảy ra do thoát vị đĩa đệm hoặc gai xương cột sống gây chèn ép bó sợi thần kinh.
BS.CKI Kim Thành Tri, khoa Thần kinh Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, đau thần kinh tọa nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng như mất cảm giác hoặc tê yếu chân, mất chức năng ruột hoặc bàng quang, tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Đa số các trường hợp đau thần kinh tọa đều có khả năng cải thiện hiệu quả sau khi áp dụng phương pháp chăm sóc tại nhà, vật lý trị liệu, dùng thuốc... Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển nghiêm trọng, cần can thiệp phẫu thuật để phòng tránh biến chứng nguy hiểm. Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa sẽ được bác sĩ chỉ định dựa theo từng trường hợp cụ thể.
Chườm đá hoặc chườm nóng
Nếu cơn đau không nghiêm trọng và chưa cản trở sinh hoạt hàng ngày, người bệnh có thể kiểm soát tình trạng đau thần kinh tọa bằng cách chườm lạnh, chườm nóng hoặc xen kẽ cả hai. Đối với phương pháp chườm lạnh, người bệnh đặt một túi chườm lạnh lên vùng bị đau tối đa 20 phút, mỗi ngày lặp lại vài lần. Trong trường hợp dùng túi chườm nóng, đèn sưởi hoặc miếng đệm sưởi thì cần điều chỉnh ở chế độ thấp nhất.
Dùng thuốc
Một số loại thuốc phổ biến trong điều trị đau thần kinh tọa bao gồm: thuốc chống viêm không steroid ibuprofen hoặc naproxen, thuốc chống co giật gabapentin, thuốc chống trầm cảm ba vòng amitriptyline, thuốc giảm đau opioid tramadol hoặc oxycodone...
Các bài tập kéo giãn
Các động tác kéo giãn nhẹ nhàng, phù hợp sẽ giúp cải thiện đáng kể chứng đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo đạt hiệu quả và tránh chấn thương. Một số bài tập điển hình như: bài tập tăng cường sức mạnh tổng thể, bài tập tăng cường cơ bắp, bài tập aerobic.
Vật lý trị liệu
Mục tiêu của vật lý trị liệu là tăng cường sức mạnh tổng thể, sức mạnh cột sống và các cơ vùng lưng dưới, bụng, mông và hông; kéo căng các gân, cơ bị cứng và không linh hoạt; tăng cường trao đổi chất dinh dưỡng trong cơ thể. Tùy theo từng tình trạng cụ thể mà các bác sĩ sẽ thiết kế những bài tập vật lý riêng dành cho từng người bệnh. Điều quan trọng là phải duy trì tập luyện đều đặn, tránh nằm trong thời gian dài vì dễ khiến bệnh nặng hơn.
Tiêm steroid
Tiêm steroid được chỉ định với mục đích giảm đau, tạo điều kiện cho người bệnh tham gia các bài tập vật lý trị liệu. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp chẩn đoán nguyên nhân cơn đau, từ đó xác định các dây thần kinh bị tổn thương. Hiện nay, có hai hình thức tiêm steroid phổ biến là tiêm ngoài màng cứng và tiêm phong bế rễ thần kinh.
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được cân nhắc khi triệu chứng đau, tê yếu chân kéo dài hoặc tiến triển nghiêm trọng dù đã thực hiện một số phương pháp điều trị nội khoa trước đó. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật sớm nếu đau thần kinh tọa hai bên hoặc đau thần kinh tọa do hội chứng chùm đuôi ngựa, tình trạng đau và tê yếu ở chân kéo dài hơn 6 tuần...
Vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm là một trong những phương pháp phẫu thuật đang được ứng dụng phổ biến. Nhiều nghiên cứu cho thấy có tới 86% người bệnh đã giảm đau thần kinh tọa sau khi áp dụng cách điều trị này.
Bác sĩ Thành Tri chia sẻ, sau điều trị đau thần kinh tọa, người bệnh có thể cần nghỉ ngơi, điều chỉnh hoạt động cũng như mức độ vận động hàng ngày. Tuy nhiên, cần tránh nghỉ ngơi quá nhiều và không hoạt động thể chất vì có thể làm cho cơn đau trở nên nghiêm trọng, kéo dài thời gian chữa lành vết thương. Do đó, người bệnh cần cân nhắc hoạt động nhẹ nhàng, đều đặn để cơ bắp luôn linh hoạt và phát triển khỏe mạnh.
Nguồn: Sưu Tầm