Các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm giàu chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa… có thể gia tăng tình trạng viêm dẫn đến đau mỏi cơ, xương khớp.
Thực phẩm gây đau nhức cơ, khớp chủ yếu là do cơ chế hoạt động của chúng có thể góp phần gây viêm. Viêm là cách cơ thể chống lại bệnh tật và những tác nhân gây hại từ bên ngoài.
Viêm mạn tính và đau mạn tính thường đi đôi với nhau. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm chứng viêm, nguyên nhân gây đau trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mức ảnh hưởng của chế độ ăn uống với tình trạng đau khớp, đặc biệt là ở bệnh nhân viêm khớp.
Theo một đánh giá vào tháng 1/2020 đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, việc hạn chế các loại thực phẩm gây viêm có thể là một cách để giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp (RA). Dưới đây là danh sách các thực phẩm có thể gây viêm dẫn tới đau nhức xương khớp cần tránh:
Thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa làm tăng lượng cholesterol xấu, gia tăng tình trạng viêm nhiễm. Cục quản lý Dược phẩm Mỹ (FDA) đã khuyến cáo hạn chế sử dụng chất béo chuyển hóa trong sản xuất, chế biến thực phẩm và liều lượng cho phép là dưới 0,5 gam.
Thực phẩm tại các nhà hàng và đồ nướng là những đồ ăn phổ biến chứa chất béo chuyển hóa. Hãy tập thói quen đọc thành phần trên nhãn thực phẩm và tìm kiếm hàm lượng chất béo chuyển hóa (thường ghi với tên Trans fat) để nắm rõ thông tin và hạn chế những thực phẩm không tốt.
Thịt đỏ và chất béo bão hòa
Thực phẩm gây viêm có thể bao gồm thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa, có chứa chất béo bão hòa từ động vật. Thịt đỏ là các loại thịt như thịt bò, lợn, cừu hoặc dê còn các chế phẩm từ sữa là sữa tươi, phô mai, kem và bơ...
Thịt đã qua chế biến
Thịt chế biến là thịt được bảo quản như xúc xích, thịt xông khói, lạp xưởng và thịt hộp. Thịt chế biến sẵn chứa nhiều chất béo bão hòa, làm tăng cholesterol và viêm nhiễm. Chúng có liên quan đến các bệnh mạn tính như ung thư, bệnh tim và đau nhức xương khớp.
Axit béo omega-6
Axit béo omega-6 là chất béo mà cơ thể sử dụng để tạo năng lượng. Mặc dù vậy chúng có thể gây viêm nếu lấn át hàm lượng omega-3 khỏe mạnh trong cơ thể. Vì vậy, hãy bổ sung lượng béo omega-6 trong tầm kiểm soát bằng cách tăng cường các loại omega-3 lành mạnh từ cá, các loại hạt và dầu ô liu.
Thực phẩm giàu omega-6 có trong mayonnaise và dầu chế biến từ ngô, cải, hoa nghệ tây, hướng dương, đậu phộng...
Thực phẩm tinh chế
Thực phẩm tinh chế bao gồm các loại carbohydrate đã loại bỏ dinh dưỡng và chất xơ thông qua quá trình chế biến và chúng hoạt động giống như đường bổ sung trong cơ thể. Các chất này được tiêu hóa nhanh chóng nên có thể làm tăng lượng đường trong máu và góp phần gây ra tình trạng kháng insulin và viêm nhiễm.
Thực phẩm tinh chế bao gồm: bánh mì trắng, khoai tây chiên, mì ống trắng, gạo trắng, ngũ cốc tinh chế...
Đồ ngọt
Thực phẩm chứa nhiều đường, dù là loại đường nào cũng đều làm tăng lượng đường trong máu và kháng insulin, tất cả đều góp phần gây viêm. Duy trì ăn ít hơn 4 gam đường bổ sung cho khẩu phần thức ăn chế biến sẵn (đọc trên nhãn thành phần) và không thêm đường vào đồ ăn hoặc đồ uống để hạn chế dung nạp chất ngọt cho cơ thể.
Các nghiên cứu vẫn đang tiến hành để tìm ra hiệu quả của các thực phẩm giúp giảm viêm nhưng nhiều bằng chứng đã chỉ ra, duy trì chế độ ăn kiêng chống viêm tương tự như chế độ ăn Địa Trung Hải (tăng cường rau, củ, quả, các loại ngũ cốc nguyên cám, giảm thịt đỏ, đồ ngọt...) có lợi trong việc điều trị các bệnh viêm nhiễm khác nhau, bao gồm cả những bệnh gây đau khớp và cơ chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp. Do đó, bạn nên tham khảo những thực phẩm có lợi này vào chế độ ăn uống của mình, đặc biệt những người đang bị viêm khớp.
Theo đó, những thực phẩm khuyến khích tăng cường là các loại trái cây và rau có màu sắc rực rỡ, chẳng hạn như rau lá xanh, cà chua, dâu tây và quả việt quất, có chứa chất dinh dưỡng thực vật có thể chống viêm nhiễm. Protein nạc như thịt gà, cá và các loại đậu hay chất béo lành mạnh như chất béo không bão hòa đơn và axit béo omega-3 có trong các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá ngừ giàu omega-3. Các loại ngũ cốc nguyên hạt có nhiều trong gạo lứt, yến mạch, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác.
Bên cạnh chế độ ăn uống giảm viêm, duy trì các hoạt động thể chất thường xuyên và ngủ đủ giấc cũng là những yếu tố có thể hỗ trợ tốt hơn với tình trạng viêm, đau khớp.
Nguồn: Sưu tầm