Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ mang thai, dị ứng, ăn thức ăn cay... là một số tác nhân thường gặp ảnh hưởng đến mũi, gây chảy dịch mũi.
Chảy nước mũi thường gặp khi bạn bị cảm hoặc dị ứng. Tuy nhiên, chảy nước mũi kéo dài (viêm mũi mạn tính) do tác động từ 7 nguyên nhân phổ biến dưới đây.
Dị ứng mũi
Dị ứng là một trạng thái tự miễn dịch của cơ thể khi có những tác động vô hại (như bụi hoặc phấn hoa) xâm nhập vào cơ thể. Đây là lý do phổ biến khiến nước mũi chảy liên tục. Người bị dị ứng cũng bị hắt hơi, ho mạn tính và ngứa mắt hoặc cổ họng. Bệnh lý này có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi.
Viêm xoang mạn tính
Bệnh lý viêm xoang cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn sổ mũi thường xuyên. Bạn có thể bị viêm xoang cấp tính nếu được chẩn đoán bị nhiễm virus hoặc dị ứng nặng. Nhiễm trùng xoang trong thời gian ngắn có thể gây đau và nghẹt xoang nhưng thường tự khỏi. Tuy nhiên, viêm xoang mạn tính là tình trạng nhiễm trùng xoang kéo dài khoảng hơn 12 tuần, có thể gây sổ mũi liên tục trong nhiều tháng hoặc nhiều năm cho bệnh nhân.
Viêm mũi không dị ứng
Viêm mũi không dị ứng xảy ra khi niêm mạc mũi bị viêm hoặc kích ứng nhưng không phải do các tác nhân gây dị ứng gây ra. Triệu chứng gần giống với triệu chứng dị ứng, có dịch mũi chảy ra, nhưng cơ thể không có phản ứng dị ứng. Tình trạng không quá nghiêm trọng nhưng gây khó chịu cho người bệnh.
Thay đổi nội tiết tố (thường gặp ở phụ nữ mang thai), thức ăn cay, mùi hương nồng, sinh hoạt trong tiết trời thay đổi... cũng khiến bạn bị viêm mũi không dị ứng.
Polyp mũi
Polyp mũi là khối u lành tính (không phải ung thư) trong niêm mạc mũi hoặc xoang. Người bệnh polyp mũi thường bị nghẹt mũi và mất khứu giác.
Dị vật trong mũi
Trẻ em thường nghịch đưa đồ vật vào mũi và không may bị kẹt trong mũi cũng gây chảy nước mũi mạn tính. Trường hợp này, một bên mũi sẽ chảy nước mũi nhiều so với bên còn lại. Cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ vệ sinh và đưa dị vật ra ngoài.
Rò rỉ dịch não tủy
Dịch não tủy (CSF) bao quanh não và tủy sống - một lớp mô giữ chất lỏng bên trong đầu, bảo vệ hệ thần kinh. Nếu không may đầu bị chấn thương hoặc người bệnh phẫu thuật xoang, lớp mô này có thể bị tổn thương, chất lỏng bị rò rỉ và gây chảy dịch ra một bên mũi (thay vì chảy nước mũi hai bên như những bệnh lý chảy mũi khác). Nếu nhận thấy bất thường này, người bệnh cần được cấp cứu.
Khối u xoang
Tuy là một nguyên nhân ít gặp, các khối u ác tính (ung thư) trong mũi hoặc xoang cũng gây chảy nước mũi mạn tính một bên. Dấu hiệu khác thường của bệnh lý là nước mũi chỉ chảy nhiều bên có khối u, kèm đau nhức đầu hoặc chảy máu mũi.
*Nguồn: Sưu Tầm