Các loại hạt như hạt bí, óc chó, đậu... khi ăn ở mức độ được khuyến nghị là thực phẩm lý tưởng cho người bệnh gout.
Bệnh gout là một dạng viêm khớp xảy ra do sự tích tụ quá nhiều axit uric. Khi nồng độ axit uric máu quá cao, các tinh thể muối urat sẽ hình thành trong các khớp gây ra tình trạng viêm nhiễm kèm theo các cơn đau nhức dữ dội, phổ biến ở ngón chân cái, bàn tay, bàn chân... Tuy nhiên, bệnh có thể kiểm soát thông qua sự kết hợp giữa dùng thuốc và chế độ ăn uống, tập luyện. Chế độ ăn uống có liên quan nhiều đến nguy cơ mắc bệnh và bùng phát cơn gout nên việc hạn chế các loại thực phẩm chứa hàm lượng purin cao có thể giúp người bệnh sống khỏe mạnh hơn.
Là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, protein và chất béo lành mạnh nên các loại hạt có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dưỡng chất nguồn gốc từ thực vật cho cơ thể. Hầu hết các loại hạt có hàm lượng purine thấp (chứa ít hơn 50mg purin/ 100g đơn vị). Cả quả hạch và hạt đều chứa nhiều chất béo lành mạnh, giúp giảm viêm và đau do bệnh gout. Đây cũng là nguồn bổ sung protein lành mạnh cho những người bị bệnh gout đang muốn từ bỏ hoặc cắt giảm lượng thịt.
Một nghiên cứu vào tháng 9/2016 đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ cho thấy, các loại hạt là nguồn protein tốt và có tác dụng chống viêm, được cho là có lợi với các đợt bùng phát của bệnh gout. Trong số hơn 5.000 người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những người thường xuyên ăn đậu phộng (hạt lạc) hay bất kỳ loại hạt nào có hiệu quả trong việc giảm viêm toàn thân tốt hơn.
Tình trạng viêm cũng giảm đáng kể ở những người được yêu cầu thay đổi chế độ ăn uống và tiêu thụ ba khẩu phần hạt hàng tuần thay vì ba khẩu phần thịt đỏ, thịt đã qua chế biến, trứng hoặc ngũ cốc tinh chế. Một khẩu phần được nhắc đến ở đây tương đương với 28,34g, khoảng một nắm tay.
Như vậy, người bệnh gout có thể ăn các loại hạt tùy theo sở thích nhưng cần lưu ý rằng, do các loại hạt có nhiều calo và chất béo nên cần phải kiểm soát khẩu phần ăn. Ngoài ra, không nên ăn các loại hạt có ướp muối vì có thể vô tình khiến người bệnh dung nạp muối quá nhiều, không tốt cho bệnh gout.
Đặc biệt, nghiên cứu vào năm 2015 đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ chỉ ra, việc bổ sung hạnh nhân vào chế độ ăn uống đã được chứng minh có thể làm giảm nồng độ axit uric. Mặc dù nghiên cứu được thực hiện trên những người mắc bệnh động mạch vành nhưng kết quả sẽ giống nhau với những người tham gia hoàn toàn khỏe mạnh.
Các chế độ ăn kiêng DASH và chế độ ăn Địa Trung Hải cũng liệt kê các loại hạt như một phần của kế hoạch ăn uống lành mạnh, và cũng được cho là có lợi với bệnh gout. DASH thiên về giảm lượng muối (natri) và tăng cường rau, trái cây, sữa ít chất béo, hàm lượng vừa phải các loại ngũ cốc, cá, gia cầm, các loại hạt (không ướp muối). Còn chế độ ăn Địa Trung Hải lại hạn chế thịt đỏ và thay vào đó ưu tiên rau, trái cây, các loại ngũ cốc, chất béo lành mạnh, cá, đậu, dầu ô liu, quả hạch...
Bên cạnh các loại hạt, người bệnh gout nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống khác có thể khiến bệnh gout bùng phát, đặc biệt là những thực phẩm giàu purin như nội tạng: gan, thận và bánh ngọt; thịt đỏ: thịt bò, thịt cừu, thịt lợn; rượu (đặc biệt là bia và rượu chưng cất), thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường.
Nguồn: Sưu tầm