Các bài tập như khiêu vũ, tập tạ, đạp xe... giúp người bệnh cải thiện phạm vi chuyển động, tăng sức bền, giảm đau nhức khớp.
Theo các chuyên gia, người mắc bệnh khớp nên tập thể dục nhằm giảm đau, cứng khớp, cải thiện sức mạnh cơ bắp và sức khỏe tim mạch. Vận động cũng giúp người bệnh giảm cân và góp phần cải thiện tinh thần.
Dưới đây là 3 loại bài tập phù hợp cho người bệnh khớp, phòng nguy cơ gặp chấn thương.
Bài tập gia tăng chuyển động
Các bài tập về chuyển động như khiêu vũ giúp duy trì chuyển động khớp bình thường và giảm cứng khớp, duy trì hoặc tăng tính linh hoạt.
Người bệnh nên luyện tập hàng ngày hoặc cách từ một đến 2 ngày nhằm duy trì phạm vi chuyển động của khớp. Nếu khó vận động khớp, người bệnh có thể giãn cơ 15-20 giây hoặc chườm nóng.
Bài tập tăng cường sức mạnh
Các bài tập tăng cường sức mạnh, chẳng hạn như tập tạ, giúp giữ hoặc tăng sức mạnh cơ bắp. Cơ bắp khỏe mạnh giúp hỗ trợ và bảo vệ các khớp bị ảnh hưởng bởi viêm khớp. Bệnh nhân nên tập tạ cách 1-2 ngày. Trường hợp bị đau, sưng khớp nặng nên dừng tập.
Bài tập cải thiện sức bền
Các bài tập thể dục nhịp điệu hoặc đạp xe giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng, cải thiện chức năng tổng thể, phòng viêm khớp cho người bệnh. Người bệnh nên thực hiện bài tập tăng sức bền 20-30 phút 3 lần/tuần hoặc 10 phút/ngày. Việc kiểm soát cân nặng đóng vai trò quan trọng với người mắc bệnh khớp. Nếu cơ thể béo phì, áp lực lên các khớp gia tăng sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.
Trước khi bắt đầu tập luyện, người bệnh khớp nên đi khám, xin ý kiến tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để có bài tập phù hợp với thể trạng và biết môn thể thao cần tránh.
Khi cơn đau khớp bùng phát, bệnh nhân nên tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý. Người bệnh không nên tập luyện quá sức hoặc kéo căng khớp bị viêm. Liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu nếu nhận thấy mệt mỏi bất thường, yếu sức, giảm phạm vi chuyển động, tăng sưng khớp, đau liên tục hơn một giờ sau khi tập thể dục.
Để giảm đau tạm thời, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:
Chườm ấm: Nếu xuất hiện cơn đau dữ dội, người bệnh có thể dùng khăn ấm, túi chườm nóng áp lên vị trí đau khớp. Ngâm mình trong bồn tắm tại nhà từ 15-20 phút, 3 lần/ngày cũng giúp giảm các triệu chứng đau.
Truyền nhiệt sâu: Chuyên gia y tế có thể truyền nhiệt sâu đến các vùng khớp không bị viêm cho người bệnh bằng cách sử dụng sóng ngắn, siêu âm... Bệnh nhân viêm khớp cấp tính không dùng biện pháp này.
Chườm lạnh: Chườm bằng túi đá bọc trong khăn từ 10 đến 15 phút giúp giảm đau, sưng.
Thủy trị liệu: Biện pháp này giúp giảm đau, cứng khớp. Tập thể dục trong hồ bơi lớn có thể giảm sức nặng cho các khớp bị đau.
Liệu pháp vận động: Giãn cơ bằng lực nhẹ, mát xa có thể khôi phục chuyển động cho các khớp bị cứng, kiểm soát cơn đau, tăng cường chuyển động của cơ, gân, khớp.
Kích điện qua da: Biện pháp này tạo ra một cú sốc điện truyền qua các điện cực trên bề mặt da giúp kiểm soát cơn đau khớp.
Thư giãn: Giải phóng căng thẳng trong cơ thể là cách giúp giảm đau hiệu quả.
Châm cứu, bấm huyệt: Đây là phương pháp giảm đau truyền thống của Trung Quốc. Kim châm cứu kích thích các dây thần kinh cảm giác sâu giúp não tiết ra chất giảm đau tự nhiên. Bấm huyệt tương tự như châm cứu nhưng sử dụng áp lực thay vì dùng kim.
*Nguồn: Sưu Tầm