Kéo ngón chân, căng, duỗi, bấm ngón chân, cuộn ngón chân trên khăn, uốn cong các ngón chân… là những bài tập giúp ngón chân cái giảm đau, tăng độ linh hoạt.
Theo các chuyên gia, người bị viêm khớp ngón chân cái tập luyện thường xuyên có thể tăng phạm vi chuyển động và sức mạnh của bộ phận này. Thực hiện các bài tập dành riêng cho ngón chân mỗi ngày còn giúp các ngón chân linh hoạt, thư giãn, giảm độ cứng, nguy cơ gặp chấn thương và cải thiện chức năng khớp.
Tùy vào mức độ viêm khớp ngón chân cái, người bệnh có thể lựa chọn những bài tập ngắn, nhẹ nhàng. Bệnh nhân cần giữ thói quen luyện tập hàng ngày nhằm tăng khả năng vận động của khớp. Khi phạm vi chuyển động tích cực cải thiện, cường độ và thời lượng luyện tập có thể gia tăng.
Dưới đây là các bài tập hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp ngón chân cái.
Kéo ngón chân
Đây là bài tập kéo giãn cơ bản giúp tăng khả năng vận động cho các khớp ngón chân cái. Người tập cần đặt chân bị ảnh hưởng lên ghế, giữ bàn chân ổn định ở khu vực các ngón chân tiếp xúc với bàn chân. Tiếp đó dùng tay giữ ngón chân cái, nhẹ nhàng kéo về phía trước, uốn cong ngón chân cho đến khi cảm thấy căng nhẹ. Giữ nguyên động tác này trong 10-20 giây trước khi buông tay.
Căng, duỗi ngón chân cái
Với người bị cứng ngón chân cái, đau gót chân do viêm cân gan bàn chân, bài tập này giúp người bệnh có thể duỗi ngón chân bình thường. Trước khi căng, duỗi ngón chân, người tập cần ngồi trên ghế, đặt bàn chân bị ảnh hưởng lên đầu gối của chân còn lại.
Giữ gót chân của bàn chân bị cứng ngón cái bằng một tay, dùng tay còn lại để kéo ngón chân cứng về phía mắt cá chân cho đến khi cảm thấy căng nhẹ. Mỗi lần tập người bệnh nên kéo căng ngón chân từ 15-30 giây.
Cuộn ngón chân bằng khăn
Người tập cần giữ tư thế ngồi thoải mái, đặt một chiếc khăn tay nhỏ trên mặt đất, đặt bàn chân bị viêm khớp lên trên. Kéo khăn về vị trí đang ngồi bằng cách cuộn các ngón chân, sau đó đẩy khăn ra ngoài bằng cách dang rộng các ngón chân.
Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh ở ngón chân cái hiệu quả, chỉ thực hiện khi có khả năng vận động khớp. Sau khi thích nghi với bài tập này, người bệnh có thể tăng cường độ luyện tập hoặc thực hiện cuộn ngón chân khi đứng.
Bấm ngón chân
Đây là động tác giúp cải thiện khả năng vận động, sức mạnh của toàn bộ bàn chân. Người bệnh nên ngồi thẳng lưng trên ghế, đặt chân trên sàn, ấn nhẹ các ngón chân xuống đất (ngón chân cái và ngón thứ 2 luôn chạm đất), nâng cao gót chân. Tiếp đến co các ngón chân xuống dưới để các đầu ngón chân chạm đất. Mỗi lần tập cố gắng giữ nguyên tư thế này trong 5 giây.
Xoạc ngón chân
Động tác này tập trung tác động vào các cơ bên trong bàn chân nhằm kiểm soát, tăng cường sức mạnh ở khu vực này. Người tập cần ngồi thẳng lưng trên ghế, đặt chân lên sàn, dang rộng các ngón chân hết mức có thể, cố gắng giữ yên trong 5 giây.
Ép ngón chân
Khi thực hiện bài tập ép ngón chân, các cơ bên trong bàn chân sẽ được tăng cường sức mạnh giúp bàn chân cùng các ngón chân hoạt động linh hoạt. Để thực hiện bài tập này, người tập cần đặt các miếng ngăn cách ngón chân bằng xốp hoặc nhựa dẻo, cố gắng co ngón chân trong 10 giây rồi từ từ thả lỏng.
Uốn cong ngón chân
Bài tập uốn cong ngón chân được thực hiện bằng cách quấn băng quanh mặt sau của ngón chân cái, giữ băng có độ căng nhẹ, ngón chân hướng về phía mắt cá chân. Sau đó đẩy ngón chân vào băng, đặt chân thẳng trên sàn nhà.
Theo Hội thấp khớp Mỹ (ACR), bệnh nhân viêm khớp ngón chân nên thực hiện các bài tập trên từ 4-5 ngày/tuần, mỗi lần tập từ 20-30 giây, lặp lại 2-3 lần. Các bài tập tăng cường sức mạnh nên được thực hiện 4-5 ngày/tuần, mỗi bài lặp lại 8-10 lần. Những bệnh nhân lớn tuổi có thể tập ngón chân từ 10-15 lần để cải thiện khả năng vận động.
*Nguồn: Sưu Tầm