Không chỉ ảnh hưởng đến các khớp, sự tích tụ axit uric trong cơ thể của người bị gout còn có thể dẫn đến biến chứng liên quan đến thận, tim mạch và thị lực.
Axit uric tích tụ trong cơ thể sẽ đẫn đến hình thành các tinh thể urat tích tụ trong khớp hoặc các mô lên kết gây ra tình trạng đau. Tình trạng viêm này có thể gây ra những tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể nếu không được điều trị sớm.
Ảnh hưởng đến thận
Sự tích tụ của axit uric có thể gây ra các vấn đề về suy giảm chức năng thận hoặc suy thận. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018 cho thấy, người mắc bệnh gout có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn 78% người bình thường. Nguyên cứu cũng ghi nhận cứ 4 người bị gout sẽ có một người gặp các vấn đề tổn thương liên quan đến thận.
Người mắc bệnh gout cũng có nguy cao bị sỏi thận do các tinh thể urat lắng đọng trong các cơ quan và làm tắc nghẽn đường tiết niệu. Ước tính, cứ 5 người bị sỏi thận thì có một người có liên quan đến gout.
Ảnh hưởng đến tim
Người bị gout cũng có thể mắc cao huyết áp, bệnh động mạch vành hoặc suy tim. Gout không tấn công trực tiếp vào tim nhưng các tinh thể urat tích tụ gây viêm và có thể dẫn đến hình thành các cục máu đông, lâu ngày dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh gout làm gia tăng gấp đôi nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.
Ảnh hưởng đến thị lực
Các tinh thể urat và tình trạng viêm kéo dài do gout có thể dẫn đến các biến chứng về thị lực. Một số biến chứng có thể gặp như hình thành các hạt tophi ở mí mắt, giác mạc, mống mắt; hội chứng khô mắt, viêm màng bồ đào; tăng nhãn áp; và đục thuỷ tinh thể, giảm thị lực.
Bệnh tiểu đường
Một số thống kê cho thấy, gout có liên quan đến khả năng mắc tiểu đường và ngược lại. Phụ nữ bị gout có khả năng mắc tiểu đường type 2 cao hơn 71%. Đối với nam giới, gout làm tăng 22% nguy cơ mắc tiểu đường. Theo các chuyên gia, tình trạng viêm của gout làm tăng nguy cơ mắc bệnh kèm theo đó là các rối loạn phổ biến khác như thừa cân, cao huyết áp...
Trầm cảm
Một số nghiên cứu về mặt tâm thần thống kê, những người trên 65 tuổi bị gout có nguy cơ trầm cảm cơ hơn 42% so với người không mắc. Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng viêm kéo dài do gout có tác động một phần nào đó đến sức khoẻ tâm thần và gây ra trầm cảm.
Theo các chuyên gia, việc hạ thấp nồng độ axit uric là bước kiểm soát quan trọng với các biến chứng của gout. Bác sĩ điều trị thường sẽ kê đơn thuốc có tác dụng làm giảm cường độ, thời gian của các cơn gout, đồng thời phá vỡ sự tích tụ của các tinh thể urat.
Ngoài ra, người bệnh nên chủ động thay đổi lối sống cũng như chế độ ăn uống để kiểm soát axit uric tốt hơn. Tránh sử dụng đồ uống có cồn, hạn chế thực phẩm chứa nhiều purin có trong hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật, uống đủ nước, tích cực vận động và duy trì cân nặng khoẻ mạnh.
*Nguồn: Sưu Tầm