Bệnh lao xương không biểu hiện triệu chứng rõ ràng cho đến khi gây nhiễm trùng nặng dẫn đến đau lưng dữ dội, viêm ở lưng hoặc khớp.
Lao là một bệnh truyền nhiễm nặng lây từ người này sang người. Có 2 loại nhiễm trùng lao chính, gồm lao phổi và lao ngoài phổi. Lao phổi chủ yếu liên quan đến phổi, gây đau ngực, khó thở và các vấn đề khác về phổi. Bệnh lao ảnh hưởng đến các vùng khác trên cơ thể như xương, cột sống hoặc khớp gọi là bệnh lao xương.
Bệnh lao xương do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, không lây qua không khí mà lây lan qua máu nếu tiếp xúc với dịch hay mủ của người bị nhiễm trùng. Bệnh lao xương có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khu vực xương nào trên cơ thể, tuy nhiên phần cột sống chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Một dạng phổ biến của bệnh lao xương cột sống được gọi là bệnh Pott.
Trước đây, bệnh lao xương tương đối hiếm gặp, nhưng trong vài thập kỷ gần đây căn bệnh này khá phổ biến do sự lây lan của bệnh AIDS. Bệnh lao xương rất khó chẩn đoán và có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Triệu chứng
Lao xương rất khó nhận ra cho đến khi các triệu chứng của bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn. Ở giai đoạn đầu, lao xương không gây đau, không có bất cứ triệu chứng nào. Một số triệu chứng đáng chú ý của bệnh lao xương bao gồm đau lưng dữ dội, sưng tấy, cứng và áp xe ở xương, viêm ở lưng hoặc ở khớp, khó di chuyển đi lại.
Khi bệnh lao xương tiến triển nặng hơn, các triệu chứng có thể bao gồm biến chứng thần kinh, liệt nửa người, tê cứng tay chân, rối loạn thần kinh, viêm não do lao. Lao xương ở trẻ em khiến tay, chân trẻ ngắn hơn so với bình thường, dị tật xương, khó di chuyển đi lại... Ngoài ra, người bị bệnh lao xương có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi dai dẳng, sốt, đổ mồ hôi đêm, giảm cân bất thường, chứng gù lưng hay dị tật ở cột sống.
Chẩn đoán bệnh lao xương
Các phương pháp phổ biến để chẩn đoán bệnh lao xương bao gồm:
Nuôi cấy vi khuẩn: người bị lao xương có khả năng cao bị nhiễm trùng phổi. Do đó, bác sĩ thường lấy mẫu đờm để xét nghiệm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis.
Sinh thiết: bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết, bao gồm lấy một phần mô quanh khu vực bị nhiễm trùng và kiểm tra xem có sự tồn tại của vi khuẩn gây bệnh lao xương hay không.
Kiểm tra chất lỏng cơ thể: bác sĩ có thể hút dịch màng phổi để kiểm tra nhiễm trùng hoặc lấy dịch não tủy xung quanh tủy sống, dịch khớp để xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao xương.
Bệnh lao xương có thể gây đau đớn, tổn thương xương như viêm, áp xe. Những tổn thương này thường có thể hồi phục khi được điều trị sớm với chế độ thuốc phù hợp. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây chết người. Các phương pháp điều trị để đảo ngược tổn thương của bệnh lao xương bao gồm sử dụng thuốc chống lao, thuốc corticoid để ngăn ngừa các biến chứng như viêm quanh tủy sống hoặc tim. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được áp dụng để điều trị bệnh lao xương.
*Nguồn: Sưu Tầm