Hoạt động thể chất giúp duy trì khả năng vận động, sự khéo léo và thăng bằng, giảm trầm cảm, mệt mỏi ở người bệnh Parkinson.
Theo Tổ chức Parkinson Mỹ, tập thể dục giúp cải thiện dáng đi, sự thăng bằng, tính linh hoạt, khả năng cầm nắm và giảm run. Đồng thời, hoạt động này còn cải thiện nhận thức, giảm lo lắng, trầm cảm và mệt mỏi, là những triệu chứng phổ biến ở người mắc bệnh này. Nghiên cứu của Quỹ Parkinson Mỹ cũng chỉ ra tăng hoạt động thể chất lên ít nhất 2,5 giờ mỗi tuần có thể làm chậm sự suy giảm chất lượng cuộc sống ở người bệnh Parkinson.
Kéo giãn cơ
Những bài tập kéo giãn cơ giúp cải thiện tình trạng cứng cơ do bệnh Parkinson gây ra. Nhờ đó, người bệnh linh hoạt hơn, dễ dàng thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi bộ, cầm nắm. Bạn nên giữ các động tác kéo giãn không cử động trong 10-30 giây và thực hiện lặp lại 3-4 lần mỗi bài tập. Thời lượng tập ít nhất 10 phút mỗi lần, 3-4 lần mỗi tuần. Hít thở đều trong mỗi lần kéo giãn cơ, không duỗi tay, chân (cơ) đến mức đau, chỉ duỗi tay, chân... bằng một lực kéo nhẹ.
Người bệnh nên tập trung vào các vùng cơ thể bị ảnh hưởng nhiều gồm thành ngực, vai, khuỷu tay, mặt sau của đùi (gân kheo) và đầu gối, bắp chân, cổ tay, lòng bàn tay, lưng dưới và cổ. Các bài tập kéo giãn nên thực hiện khi ngồi hoặc nằm để tránh căng cơ và mệt mỏi.
Rèn luyện sức mạnh
Tập luyện sức mạnh như nâng tạ, đẩy tạ, chống đẩy... giúp xây dựng khối lượng cơ bắp, sự dẻo dai, thường tập trung vào các nhóm cơ: bụng (cơ cốt lõi), đùi (cơ tứ đầu), mông, lưng, cánh tay (cơ tam đầu), tay và cổ tay.
Người bệnh nên thực hiện bài tập rèn luyện sức mạnh 2-3 lần mỗi tuần, không nhắm mục tiêu vào cùng một cơ liên tiếp các ngày, vì cơ cần được nghỉ ngơi và phục hồi, chia đều thời gian tập cho các cơ. Các bài tập tay (viết tay, với các đồ vật trên cao...) giúp tăng cường khả năng cầm nắm và cải thiện tầm với cho người bệnh Parkinson.
Thể dục nhịp điệu
Thể dục nhịp điệu giữ cho trái tim khỏe mạnh, giúp cơ thể đốt cháy calo và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Ví dụ bài tập aerobic, đi bộ, chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu dưới nước, đi xe đạp... có thể duy trì cân nặng hợp lý. Người bệnh nên tập thể dục nhịp điệu 30 phút mỗi ngày, 5 lần một tuần. Ở ngoài trời nắng rất tốt cho sức khỏe nhưng không phơi nắng quá nhiều, không đi bộ đường dài vì có thể khiến nhịp tim tăng lên.
Tập thể dục dưới nước
Tập thể dục dưới nước với sự giám sát của nhân viên cứu hộ có thể cải thiện sự cân bằng và sức mạnh ở người bệnh Parkinson. Ví dụ đứng nổi trong hồ bơi có thể hỗ trợ các cơ bị yếu và cải thiện khả năng giữ thăng bằng. Bơi lội hoặc thực hiện một số bài tập sức mạnh và kéo giãn cơ trong nước giúp tăng cường cơ bắp, sự cân bằng và khả năng vận động, cơ thể ít bị căng thẳng hơn.
Chuyển động cơ thể
Vận động chậm và cứng khớp là hai triệu chứng đặc trưng của bệnh Parkinson, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ phạm vi cử động và khả năng vận động. Điều này khiến người bệnh bước những bước nhỏ hơn hoặc gặp khó khăn khi di chuyển tay chân theo các hướng khác nhau. Các động tác chuyển động cơ thể như vặn thân, xoay đầu cổ, vươn vai, đi bước nhỏ... có thể cải thiện phạm vi chuyển động của cổ, thân và vai, tăng khả năng vận động.
Thăng bằng
Người mắc bệnh Parkinson thường gặp các vấn đề về thăng bằng khi đứng hoặc di chuyển. Các bài tập thăng bằng như khiêu vũ giúp người bệnh cải thiện khả năng giữ thăng bằng, tránh và giảm thiểu bị ngã. Nên thực hiện các bài tập thăng bằng 2-3 lần một tuần, mỗi lần từ 20-30 phút.
Yoga và thái cực quyền
Theo Tổ chức Parkinson Mỹ, yoga giúp cải thiện tính linh hoạt, hơi thở và tư thế, thư giãn và giảm căng thẳng. Nghiên cứu (năm 2020) của Đại học Colorado Anschutz (Mỹ) cho thấy môn võ thái cực quyền của Trung Quốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng vận động của bệnh Parkinson, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và giảm nguy cơ ngã, tăng độ chính xác của chuyển động.
Trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục, người bệnh Parkinson nên tham khảo ý kiến bác sĩ về loại hình và chế độ tập phù hợp với thể chất và sức khỏe. Trong quá trình tập giữ đủ nước và tránh gắng sức quá mức. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson, bệnh nhân nên bắt đầu tập thể dục càng sớm càng tốt. Đây là giai đoạn "tiền phục hồi chức năng", không nên đợi đến khi bị đau hoặc gặp vấn đề về cử động mới bắt đầu tập luyện. Người bệnh Parkinson tiến triển tập thể dục có chất lượng sống tốt hơn người không tập.
Nguồn: Sưu tầm