Thay đổi thời tiết, khí hậu, vệ sinh môi trường,... có thể dẫn đến các bệnh lý tai mũi họng thường gặp như viêm tai, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm mũi dị ứng…
Theo BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng (Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), ba cơ quan tai - mũi - họng có cấu tạo gồm các hốc thông trực tiếp với nhau. Khi một cơ quan gặp vấn đề, hai cơ quan còn lại cũng có thể bị ảnh hưởng. Các cơ quan này cũng có đặc điểm là thông với môi trường bên ngoài nên dễ gặp phải các bệnh lý do các yếu tố môi trường gây ra như nhiễm khuẩn hoặc dị ứng. Dưới đây là những bệnh lý tai mũi họng thường gặp.
Viêm tai
Viêm tai là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến. Tình trạng này xảy ra khi mầm bệnh, chủ yếu là vi khuẩn, virus tấn công và gây bệnh ở các cấu trúc trong tai, bao gồm tai ngoài, tai trong, tai giữa.
Viêm tai là loại nhiễm trùng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Trẻ em bị viêm tai thường khó phát hiện với các triệu chứng như trẻ hay dùng tay dụi hoặc kéo vành tai hay quấy khóc, nhất là trước khi đi ngủ, không phản ứng với tiếng ồn lớn hoặc tiếng gọi, sốt, mất thăng bằng, đau đầu, ăn hoặc bú kém... Ở người lớn, các triệu chứng viêm tai có thể kể đến như đau và cảm thấy áp lực trong tai, sốt, mất thăng bằng, khó nghe, giảm thính lực, buồn nôn, nôn, chảy dịch trong tai.
Viêm tai có thể cấp tính hoặc mạn tính. Viêm tai cấp tính sẽ gây ra các triệu chứng trong thời gian ngắn vài tuần. Ngược lại, viêm tai mạn tính thường kéo dài dai dẳng và tái phát nhiều lần, đồng thời có thể gây tổn thương tai giữa và tai trong vĩnh viễn.
Viêm họng
Viêm họng là tình trạng cổ họng bị khô, đau rát hoặc ngứa. Bệnh có thể do nhiễm trùng (virus, vi khuẩn), các yếu tố môi trường (không khí khô lạnh, môi trường ô nhiễm), bệnh lý (trào ngược dạ dày - thực quản, khối u ở thực quản, dị ứng) hoặc một số thói quen (uống nước đá, uống rượu, hút thuốc) gây ra. Trẻ em thường bị viêm họng cấp, trong khi đó, viêm họng mạn tính sẽ phổ biến hơn ở người trưởng thành.
Các triệu chứng viêm họng phổ biến là đau cổ họng, khàn giọng, khó nuốt, cảm giác ngứa ở họng, ho, sốt, chán ăn. Viêm họng cũng có những biểu hiện khác tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân viêm họng do virus cúm hoặc cảm lạnh có thể bị sưng đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, ho khan hoặc ho có đờm, mệt mỏi.
Viêm họng do liên cầu khuẩn có thể gây đau họng, khó nuốt, nổi hạch, sốt, ớn lạnh, phát ban, amidan sưng, đỏ, có mảng trắng hoặc mủ. Viêm họng do dị ứng gây hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, sổ mũi, cổ họng ngứa và khô, có thể kèm ho khan.
Viêm amidan
Amidan là hai tổ chức lympho hai bên họng có vai trò bảo vệ hệ hô hấp bằng cách ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh và sản sinh miễn dịch cho cơ thể. Do thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây bệnh như vi khuẩn hoặc virus, amidan dễ bị nhiễm trùng và sưng viêm. Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và người lớn tuổi do hệ miễn dịch suy yếu.
Triệu chứng của viêm amidan thường là amidan bị sưng đau, có lớp phủ trắng hoặc vàng, xuất hiện vết phồng rộp hoặc vết loét đau trong cổ họng, sưng hạch ở cổ hoặc hàm, khó nuốt hoặc nuốt đau, sốt, thay đổi giọng nói, hôi miệng, đau bụng, đau cổ, cứng cổ, đau đầu. Trẻ em có thể gặp thêm các triệu chứng như ngủ ngáy, nôn, chảy nước dãi, biếng ăn, quấy khóc.
Viêm xoang
Xoang là những hốc rỗng, chứa không khí, nằm xung quanh các xương vùng mặt. Bên trong các xoang sẽ có một lớp niêm mạc (mô mềm). Viêm xoang là tình trạng lớp niêm mạc bên trong xoang bị viêm, gây tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy. Môi trường này tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng. Dựa vào tính chất, viêm xoang được chia thành các loại là cấp tính, cấp tính tái phát, bán cấp và mạn tính.
Viêm xoang có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng người bị dị ứng mũi, polyp mũi, hen suyễn hoặc có cấu trúc mũi bất thường dễ gặp phải vấn đề này hơn. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị viêm xoang. Các triệu chứng của viêm xoang bao gồm sưng đau quanh mắt, má hoặc trán, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho, dịch mũi có mủ vàng hoặc xanh, sốt, đau răng, hơi thở có mùi hôi, mệt mỏi.
Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích ứng và viêm do các tác nhân môi trường như phấn hoa, khói, mạt bụi, nấm mốc hoặc vảy da của động vật. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, bao gồm ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đỏ mắt, chảy nước mắt, ho khan, đau hoặc ngứa họng, mệt mỏi.
Hầu hết các trường hợp viêm mũi dị ứng thường có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có các triệu chứng nặng và dai dẳng, gây khó ngủ hoặc cản trở các hoạt động hằng ngày.
Chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn khiến người bệnh ngừng hô hấp trong một khoảng thời gian ngắn khi ngủ. Một số bệnh nhân có thể ngừng thở liên tục nhiều lần trong một đêm. Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ là do tắc nghẽn đường thở, có thể từ mũi xuống họng thanh quản hoặc do não không thể truyền tín hiệu đến các cơ điều khiển nhịp thở. Nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, bệnh cơ tim, suy tim, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Người bị ngưng thở khi ngủ thường gặp phải các triệu chứng như ngáy to, khó ngủ, thường xuyên thức giấc vào nửa đêm, thở hổn hển khi ngủ, cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, đau họng hoặc khô họng khi thức dậy, buồn ngủ vào ban ngày, tâm trạng lâng lâng, trầm cảm, đổ mồ hôi hoặc thường xuyên đi tiểu vào ban đêm, nhức đầu, rối loạn chức năng tình dục.
Bệnh tai mũi họng tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng có thể là khởi phát của rất nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, các triệu chứng của bệnh tai mũi họng cần được điều trị sớm, triệt để, phòng biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý mua thuốc hoặc dùng lại đơn thuốc cũ mà cần thăm khám chuyên khoa tai mũi họng và dùng thuốc đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.
*Nguồn: Sưu Tầm