Loãng xương là một bệnh lý phổ biến, làm tăng nguy cơ gãy xương và có thể dẫn đến tàn phế nếu không được kiểm soát tốt.
Theo ThS.BS.CKI Ngô Tuấn Anh, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, loãng xương là một bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn, do đó, mục tiêu của việc điều trị là tập trung vào ngăn chặn và phòng ngừa các nguy cơ gãy xương. Điều này được thực hiện chủ yếu bằng ba cách, bao gồm: phục hồi cấu trúc xương đã bị loãng và độ khoáng hóa xương, tăng cường khối lượng xương, ngăn chặn tình trạng mất xương tiếp tục diễn ra.
Các phương pháp cải thiện loãng xương có thể được áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau tùy theo mức độ loãng xương, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp điều trị được chia thành ba nhóm như sau:
Điều trị không dùng thuốc
Phương pháp này áp dụng một chế độ sinh hoạt hợp lý, dinh dưỡng lành mạnh và tập luyện đầy đủ để giảm nguy cơ phát triển loãng xương hoặc gãy xương. Chế độ dinh dưỡng tốt cho người bệnh loãng xương cần đầy đủ canxi và vitamin D. Đây là những nguyên liệu để tái tạo xương và tăng cường sự bền chắc cho xương. Những khoáng chất này có trong sữa và các chế phẩm từ sữa, rau lá xanh, hạt óc chó, cá hồi, hải sản... Người bệnh cũng cần tránh những thực phẩm có hại như thức ăn nhanh và chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp... Các loại thức uống có ga, cà phê, rượu bia và các chất kích thích khác cũng cần hạn chế.
Người bệnh nên tạo một thói quen vận động thường xuyên. Tuy nhiên, việc tập luyện cần được thực hiện với cường độ vừa phải, tùy theo lứa tuổi và mức độ loãng xương. Các bài tập được đề nghị là đi bộ, chạy bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ... Người bệnh có thể cân nhắc tập luyện ngoài trời vào buổi sáng để hấp thu vitamin D một cách hiệu quả và tăng cường sự chắc khỏe của xương, sự dẻo dai của cơ bắp.
Cải thiện loãng xương bằng thuốc
Đa số các thuốc cải thiện loãng xương sẽ hoạt động bằng cách ức chế quá trình hủy xương. Một số thuốc khác lại kích thích quá trình tạo xương. Những cơ chế này giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương.
Một số loại thuốc thường được chỉ định trong kiểm soát loãng xương như nhóm bisphosphonates và denosumab có tác dụng chống hủy xương; thuốc strontium ranelate giúp tăng tạo xương, ức chế hủy xương; các thuốc tăng tạo xương như teriparatide, abaloparatide, romosozumab... Các loại thuốc này đều có nguy cơ làm phát sinh một số biến chứng, do đó, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc.
Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone hay còn gọi là liệu pháp thay thế estrogen thường được khuyên dùng cho phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương. Liệu pháp này có tác dụng ngăn ngừa mất xương và giảm nguy cơ gãy xương. Nội tiết tố estrogen cũng giúp ngăn ngừa bệnh tim, cải thiện chức năng nhận thức và tiết niệu. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung, tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối dẫn đến đột quỵ. Do đó, cần cân nhắc giữa lợi ích và tác hại mà liệu pháp này mang lại. Trước khi tiến hành điều trị bằng liệu pháp hormone, người bệnh nên được đo mật độ xương.
Ở nam giới, loãng xương có thể liên quan đến sự suy giảm mức độ testosterone theo thời gian. Lúc này, liệu pháp hormone giúp cải thiện các triệu chứng testosterone thấp. Trong điều trị loãng xương ở nam giới, các bác sĩ thường chỉ định phối hợp liệu pháp hormone với các phương pháp điều trị khác.
Bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ, trong suốt cuộc đời của mỗi người, xương khỏe mạnh liên tục bị phá vỡ và xây dựng lại. Khi cơ thể già đi, tốc độ xương khôi phục lại không kịp với tốc độ hủy xương, làm cho xương trở nên yếu hơn. Vì vậy, loãng xương là một phần của quá trình lão hóa, không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng việc tuân thủ phác đồ của bác sĩ sẽ giúp làm chậm quá trình phát triển bệnh, ngăn ngừa các biến chứng gãy xương.
*Nguồn: Sưu Tầm