Huyết áp thấp gây giảm lưu lượng máu lên não, có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ, không nên chủ quan.
Có hai hình thức đột quỵ chính là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (tình trạng tắc nghẽn trong động mạch) và đột quỵ do xuất huyết não (vỡ mạch máu não làm chảy máu vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất). Trong đó, đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một phần não bị cắt đứt do cục máu đông hoặc động mạch thu hẹp.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), cho biết nguyên nhân ít phổ biến của đột quỵ do thiếu máu cục bộ là huyết áp thấp. Áp lực để đưa máu lên não thường lớn hơn các nơi khác, do đó, não thường rất dễ bị thiếu máu khi huyết áp giảm. Huyết áp thấp có thể do nhồi máu cơ tim, mất nhiều máu hoặc nhiễm trùng nặng. Mỗi tình trạng này đều ảnh hưởng đến dòng chảy của máu qua tim và mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Thiếu máu não nhẹ sẽ gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất tập trung, khó ngủ, ngất xỉu. Đây đều là triệu chứng điển hình của huyết áp thấp. Thời gian dài, tế bào não có thể bị tổn thương dẫn đến suy giảm trí nhớ, teo não, nhũn não. Trường hợp nặng, huyết áp tụt sâu và đột ngột nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ.
Huyết áp thấp thường là khi chỉ số huyết áp dưới 90/60 mm/Hg. Ở nhiều người, huyết áp thấp không có triệu chứng. Hạ huyết áp cũng có thể gây ra các triệu chứng bao gồm chóng mặt, ngất xỉu, cảm thấy lâng lâng, buồn nôn hoặc nôn, nhìn mờ hoặc méo mó, thở nhanh, nông, mệt mỏi, suy nhược uể oải. Thậm chí, triệu chứng nặng có thể là hôn mê, lú lẫn hoặc khó tập trung, dễ bị kích động hoặc những thay đổi bất thường khác trong hành vi.
Điều trị thường bắt đầu bằng việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân có thể điều trị trực tiếp thì bệnh có thể tự khỏi, ví dụ như hạ huyết áp xảy ra do chấn thương và mất máu. Nếu điều trị vết thương đó và thay thế lượng máu đã mất (chẳng hạn truyền máu) sẽ ngừng hạ huyết áp. Trường hợp dùng thuốc ảnh hưởng đến huyết áp, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc yêu cầu người bệnh ngừng dùng thuốc đó hoàn toàn.
"Nhiều người vẫn chủ quan trước huyết áp thấp do họ nghĩ rằng tình trạng này không nguy hiểm bằng tăng huyết áp, dẫn đến không điều trị. Điều này khiến huyết áp thấp tái đi tái lại, bệnh trở thành mạn tính, khó điều trị", bác sĩ Minh Đức nói.
Người bệnh cần phải theo dõi điều trị và thay đổi sinh hoạt, ăn uống. Người bệnh cần ăn mặn nhưng không nên ăn quá 5 g muối một ngày để tránh ảnh hưởng cho thận và tim, hạn chế rượu bia. Uống đủ lượng nước theo khuyến cáo từ 1,5-2 lít mỗi ngày vì nước giúp ổn định huyết áp.
Người có huyết áp thấp nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ vì tụt huyết áp có thể xảy ra sau khi ăn quá no; tăng cường thực phẩm bổ máu, giàu chất sắt như thịt đỏ, hải sản, nho khô... Một lưu ý nữa là tránh những động tác thay đổi tư thế đột ngột. Để phòng ngừa đột quỵ, người bệnh không nên thức khuya, giữ ấm khi ngủ, không ra ngoài trời nắng gắt. Khi có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, choáng váng... bạn cần đi khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: Sưu tầm