Đau, căng cứng vai thường là dấu hiệu của viêm gân cơ vai, một bệnh lý không nguy hiểm nhưng dễ tái phát, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh.
Tình trạng căng cứng vai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp nhất là bệnh lý viêm gân cơ vai. ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, viêm gân cơ vai là hiện tượng viêm sưng ở xung quanh khớp vai, thường xuất hiện sau khi cơ vai bị tổn thương. Lúc này, sụn khớp bị bào mòn dần làm suy giảm chức năng hoạt động của vai.
Liên tục tạo áp lực lên gân xung quanh khớp vai chính là nguyên nhân gây ra tổn thương, bào mòn và thoái hóa, dẫn đến viêm gân cơ vai. Vì vậy, những người thường xuyên phải sử dụng lực từ cánh tay và vai như thợ mộc, thợ hàn, vận động viên bơi lội, chơi quần vợt... có nguy cơ cao mắc viêm gân cơ vai.
Dấu hiệu đặc trưng của viêm gân cơ vai là đau bất thường và căng cứng vùng vai, đặc biệt là khi hoạt động hoặc chạm vào. Những cơn đau có xu hướng kéo dài và có thể nghiêm trọng đến mức làm người bệnh thức giấc giữa đêm. Ngoài ra, người bệnh còn có thể cảm thấy vị trí viêm gân mềm và sưng nhẹ, phát ra tiếng lách cách ở vai khi cử động, sức mạnh ở vai bị suy yếu rõ rệt. Một số trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể mất khả năng vận động vai.
Bác sĩ Tôn Quyền cho biết, viêm gân cơ vai không phải là một bệnh lý phức tạp và có thể điều trị nội khoa. Tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ tổn thương của người bệnh, thời gian điều trị có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Một số cách điều trị nội khoa thường được chỉ định bao gồm:
Tập vật lý trị liệu: Giúp cải thiện chức năng vai cũng như hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi tầm vận động. Người bệnh cần lưu ý khởi động kỹ trước khi bắt đầu thực hiện bài tập.
Uống thuốc: Đối với những người có cơn đau nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, thuốc giảm đau chống viêm NSAID là một phương pháp hiệu quả giúp làm giảm cơn đau. Tuy nhiên, những thuốc này cần được uống theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh phát sinh các vấn đề về tiêu hóa như xuất huyết tiêu hóa, đau dạ dày, viêm loét dạ dày...
Tiêm khớp vai với corticoid: Phương pháp này mang lại hiệu quả nhanh chóng vì corticoid có tính kháng viêm mạnh. Tiêm khớp vai corticoid cần được thực hiện ở những bệnh viện lớn, có bác sĩ giàu kinh nghiệm để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, nghiêm trọng nhất là mất chức năng khớp vai vĩnh viễn.
Nghỉ ngơi: Bất kể lựa chọn phương pháp nội khoa nào, trong thời gian điều trị, người bệnh đều phải nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động tạo áp lực lên vai và cánh tay. Nghỉ ngơi giúp cho phần gân tổn thương nhận được sự điều trị tốt hơn và hạn chế những tác động xấu lên vai. Đối với các vận động viên khi quay trở lại tập luyện, cần tăng dần cường độ để không gây ảnh hưởng đến gân và khớp vai, tránh tập luyện quá sức.
Trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc chấn thương cơ vai nghiêm trọng, người bệnh sẽ được can thiệp bằng phẫu thuật. Hiện nay, phương pháp nội soi khớp vai được ưu tiên sử dụng vì thời gian điều trị ngắn và hồi phục nhanh, người bệnh có thể xuất viện ngay trong ngày làm thủ thuật.
Bác sĩ Tôn Quyền khuyến cáo, viêm gân cơ vai không phải là một bệnh lý nguy hiểm hay khó điều trị, nhưng dễ tái phát hoặc phát triển thành mạn tính. Vì vậy, người bệnh nên chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bệnh và phòng ngừa bằng cách vận động thường xuyên, đúng cách.
Nguồn: Sưu tầm