Cảm giác nặng nề ở chân có thể là biểu hiện của tập luyện quá sức hay các bệnh như giãn tĩnh mạch, suy tĩnh mạch, phù bạch huyết, hẹp ống sống…
Triệu chứng nặng nề ở đôi chân là cảm giác chân nặng cứng, mệt mỏi như thể khó nhấc lên và di chuyển. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng này:
Bị giãn tĩnh mạch
Tĩnh mạch là hệ thống mạch máu màu tím sẫm hoặc xanh lam thường xuất hiện dưới dạng xoắn hoặc phồng lên ở chân. Trong một số trường hợp, các tĩnh mạch này có thể khiến chân cảm thấy đau nhức, nặng nề, khó chịu, ngứa ngáy, đặc biệt là sau khi ngồi hoặc đứng lâu. Khi các tĩnh mạch bị mất độ đàn hồi, van trở nên yếu đi khiến máu bị ứ lại ở chân được gọi là giãn tĩnh mạch. Tình trạng này không quá nghiêm trọng và thường có thể kiểm soát được.
Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên là hiện tượng hai chân luôn ở trong trạng thái muốn vận động do rối loạn của hệ thống thần kinh. Đôi chân có thể kèm theo hiện tượng đau nhức hoặc đau nhói và triệu chứng này chỉ biến mất khi cử động chân.
Cảm giác khó chịu thường gặp nhất vào ban đêm khi ngồi hoặc nằm. Việc thay đổi lối sống như tập thể dục vừa phải, tăng cường chế độ ăn và xoa bóp... có thể giúp giảm triệu chứng của hội chứng chân không yên.
Tập luyện quá mức
Việc chạy, leo cầu thang liên tục có thể khiến đôi chân cảm thấy kiệt sức. Nhưng nếu thường xuyên cảm thấy nặng nề hoặc căng cứng và sau khi nghỉ ngơi vẫn không thấy tốt hơn, đó có thể là hậu quả của việc tập luyện quá sức (OTS). Tình trạng này phổ biến ở các vận động viên, trẻ em, thanh thiếu niên và có thể làm tăng nguy cơ chấn thương.
Phù mạch bạch huyết
Phù mạch bạch huyết là một nguyên nhân phổ biến khác khiến chân trở nên nặng nề. Hiện tượng này xảy ra khi mạch bạch huyết bị tắc nghẽn hoặc thành mạch bị tổn thương cùng với cảm giác căng da, sưng tấy, bỏng hoặc ngứa. Phù mạch bạch huyết có thể xảy ra ở chân hoặc tay và phổ biến ở những người đã trải qua phẫu thuật, xạ trị, hóa trị nhưng đôi khi những người khỏe mạnh cũng có thể gặp phải.
Suy tĩnh mạch
Nếu cảm thấy đôi chân nặng nề khi thức dậy, đó có thể là triệu chứng của suy tĩnh mạch. Tình trạng này xảy ra khi các tĩnh mạch gặp vấn đề trong việc vận chuyển máu từ chân về tim. Tiến sĩ Vincent Noori, bác sĩ Phẫu thuật mạch máu tại Trung tâm Y tế Mercy, Mỹ, cho biết: "Khi máu đọng lại và áp lực tăng lên đôi chân, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng bao gồm cả nặng nề ở đôi chân".
Suy giãn tĩnh mạch có nguy cơ cao xảy ra ở người bị béo phì, phụ nữ mang thai, có người thân từng bị hoặc có xu hướng ngồi, đứng trong thời gian dài. Tình trạng này cũng có thể khiến cho đôi chân cảm thấy đau nhức, ngứa ngáy, sưng tấy và khiến da bị kích ứng, đỏ, đóng vảy và cần được điều trị sớm.
Tăng cân quá mức
Béo phì có thể làm tăng thêm áp lực lên vùng tĩnh mạch và tăng nguy cơ mắc các vấn đề như giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch. Đối tượng này cũng dễ bị phù bạch huyết hơn. Những bệnh này đều có thể khiến đôi chân trở nên nặng, khó cử động.
Hẹp ống sống
Đau lưng kết hợp với cảm thấy nặng nề ở đôi chân, triệu chứng tê hoặc yếu có thể là dấu hiệu của bệnh hẹp ống sống. Theo Viện hàn lâm chỉnh hình Mỹ (AAOS), hẹp ống sống là biểu hiện của thoái hóa, thường ảnh hưởng ở những người trên 60 tuổi, có thể gây đau hoặc yếu ở vùng lưng và chân. Hẹp ống sống có thể được kiểm soát bằng thuốc, vật lý trị liệu hoặc tiêm steroid, một số trường hợp có thể cần phẫu thuật.
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Bệnh xảy ra khi các mảng bám tích tụ trong động mạch khiến mạch dẫn máu từ tim đến chân trở nên hẹp hơn. Điều này có thể gây đau và yếu chân khi đi bộ và có xu hướng dễ chịu hơn khi được nghỉ ngơi. Không có cách chữa khỏi PAD, các thuốc như aspirin hoặc thuốc giảm cholesterol và ăn uống lành mạnh (giảm chất béo) có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng bệnh.
Điều trị chứng nặng nề ở đôi chân cơ bản phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Tiến sĩ Noori khuyến nghị một số cách có thể kiểm soát sự khó chịu của đôi chân như:
Mang vớ nén: Vớ nén giúp máu di chuyển qua tĩnh mạch hiệu quả hơn. Đây cũng là cách giảm hoặc ngăn ngừa sưng, đặc biệt đối với các bệnh liên quan đến tĩnh mạch.
Kê cao chân: Kê chân lên gối có thể giúp đẩy máu hoặc chất lỏng tích tụ ra khỏi chân và giảm sưng, đau.
Vận động: Vận động có thể giúp lưu thông máu tốt hơn. Nếu chân cảm thấy nặng nề sau khi ngồi hoặc đứng một chỗ trong thời gian dài, hãy đi bộ hoặc thử các bài tập đơn giản.
Ăn ít muối: Muối hoặc natri khiến cơ thể giữ lại nhiều nước hơn và khiến chân dễ bị sưng hơn.
Giảm cân: Duy trì cân nặng hợp lý có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh khiến chân trở nên nặng nề như phù bạch huyết, giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch.
Nếu các triệu chứng sưng đau ngày một nghiêm trọng, chảy máu kéo dài... đó có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng , người bệnh nên đi thăm khám sớm.
Nguồn: Sưu tầm