Khoảng một năm trước, chồng tôi bị đột quỵ và được cấp cứu kịp nên hồi phục gần như hoàn toàn.
Tuy nhiên, vài tháng gần đây, chồng tôi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt thường xuyên, khó đi đứng giống như đột quỵ. Vài giờ sau, các tình trạng này lại hết, chồng tôi trở lại bình thường.
Tôi nghe hàng xóm bày cách chích lể máu đầu ngón tay chân sẽ hết đột quỵ. Vì có người trong xóm của tôi có dấu hiệu đột quỵ, ngất xỉu, làm cách này thì vài phút sau tỉnh lại. Dùng kim chích lể lấy máu ở ngón tay, chân có cứu người đột quỵ? Thực hư thế nào, nhờ bác sĩ giải đáp giúp tôi. (Hà Anh, Cà Mau)
Trả lời:
Từng có thông tin lan truyền về việc chích lể lấy máu ở các ngón tay, chân của người đột quỵ, sau đó nặn máu ra, chờ vài phút thì người bệnh sẽ tỉnh lại. Hay sơ cứu đột quỵ bằng cách châm vào hai bên dái tai, cho đến khi máu nhỏ giọt.
Có không ít người có dấu hiệu đột quỵ, người nhà áp dụng các cách này khiến cấp cứu muộn, dẫn đến nguy kịch. Chích lể máu đầu ngón tay, chân cứu hay châm kim vào dái tay để cứu người đột quỵ là những cách làm không được kiểm chứng khoa học mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy như: bỏ qua thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ, nhiễm trùng tại vị trí chích máu, không thể cầm máu nếu bị rối loạn đông máu... Khi có người đột quỵ, người thân tuyệt đối không chích lể lấy máu đầu ngón tay, chân; cạo gió, giác hơi, châm cứu...
Một sai lầm khác thường gặp khi xử trí đột quỵ của nhiều người là để người bị đột quỵ nằm nghỉ, cho uống nước đường, nước chanh... để tự hồi phục. Nguyên nhân có thể do người nhà không biết xử trí đột quỵ đúng cách, không nhận ra các dấu hiệu đột quỵ hoặc nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh thông thường.
Người có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như liệt mặt, méo miệng, nói ngọng, khó nói, yếu liệt tay chân... cần được sơ cứu đúng cách và đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Cách sơ cứu là đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng sang một bên, kê đầu với độ cao khoảng 30-40 độ, nới rộng quần áo, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ gần nhất.
Cấp cứu trong thời gian "vàng" (khoảng 3-4,5 giờ) từ khi khởi phát triệu chứng có thể cứu người đột quỵ. Trong thời gian này, bác sĩ có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết để cứu sống người bệnh, nâng cao tỷ lệ phục hồi, hạn chế di chứng để lại sau này. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể kiểm tra và áp dụng các kỹ thuật khác để điều trị cho người đột quỵ phù hợp.
Một số người còn có thể bất ngờ mất ý thức trong khoảng vài giây, sau đó phục hồi hoàn toàn. Đây có thể là cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) hay còn gọi là đột quỵ nhỏ. Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có thể cảnh báo đột quỵ thực sự trong một thời gian ngắn sau đó như vài ngày, vài tháng. Người có các dấu hiệu này có thể thăm khám, tầm soát đột quỵ, từ đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách để phòng ngừa, xử trí đột quỵ đúng cách. Các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao... làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó, người có các bệnh lý này nên uống thuốc đúng liều, đủ lịch, thăm khám định kỳ để kiểm soát bệnh nền.
Người từng bị đột quỵ có nguy cơ tái phát cao. Hơn nữa, như chị chia sẻ vài tháng gần đây, chồng chị có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt thường xuyên, khó đi đứng giống như đột quỵ. Do đó, anh nên thăm khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ. Anh cũng lưu ý ăn uống lành mạnh, điều độ; tập thể dục thường xuyên; tránh rượu bia, hút thuốc lá...
Nguồn: Sưu tầm