Đau xơ cơ gây đau toàn thân với dấu hiệu đặc trưng là cơn đau từ sâu bên trong cơ nhưng khó xác định vị trí, kèm cảm giác bỏng rát suốt thời gian dài.
Thạc sĩ Bác sĩ CKI Ngô Tuấn Anh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, từng tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đến thăm khám trong tình trạng đau khắp các vùng của cơ thể trong ít nhất 3 tháng, đã điều trị ở các cơ sở y tế khác mà không có chuyển biến tích cực. Thông qua chẩn đoán, bác sĩ phát hiện người bệnh mắc bệnh lý đau xơ cơ.
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết, đau xơ cơ còn gọi là đau cơ xơ hóa, là một bệnh lý gây đau toàn thân, có thể gặp ở tất cả mọi người nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ từ 30 - 60 tuổi. Dấu hiệu đặc trưng là những cơn đau từ sâu bên trong cơ nhưng khó xác định chính xác vị trí bị đau, cơn đau kèm theo cảm giác bỏng rát lan tỏa ra các khu vực khác trong một thời gian dài. Cơn đau có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào như cơ, xương, gân, dây chằng và các tổ chức phần mềm khác của cơ thể. Tuy nhiên, cơn đau thường tập trung ở cổ, vai, gáy, khu vực cột sống thắt lưng, khuỷu tay và đầu gối hai bên. Sáng sớm sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ là hai thời điểm cơn đau diễn ra dữ dội nhất trong ngày.
Đau xơ cơ dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác khi xuất hiện đồng thời các triệu chứng như đau đầu ở vùng trán tương tự dấu hiệu của bệnh đau đầu do căng thẳng hoặc đau nửa đầu; hiện tượng đau bụng, đi ngoài phân lỏng tương tự hội chứng ruột kích thích... Nếu không được điều trị kịp thời, đau xơ cơ kéo dài làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, gây mệt mỏi, ảnh hưởng cuộc sống người bệnh.
Y học hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây đau xơ cơ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể góp phần làm khởi phát hoặc trầm trọng thêm tình trạng này như căng thẳng thường xuyên, ngồi hoặc đứng quá lâu...
Theo bác sĩ Ngô Tuấn Anh, hiện chưa có phương pháp chuyên biệt để điều trị đau xơ cơ. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là phối hợp giữa dùng thuốc và không dùng thuốc.
Điều trị không dùng thuốc nhắm đến hai khía cạnh chính là tâm lý và vận động. Cụ thể ở phương diện tâm lý, giữ tinh thần thoải mái, không lo lắng, căng thẳng... góp phần làm giảm triệu chứng bệnh hiệu quả. Về vấn đề vận động, các bài tập vật lý trị liệu góp phần giảm đau, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Các bài tập này bao gồm aerobic, bài tập kéo giãn, mát xa hoặc châm cứu vào điểm đau. Ngoài ra, người bệnh không nên duy trì một tư thế trong thời gian dài vì thói quen này sẽ làm căng cứng các sợi cơ, trầm trọng thêm cơn đau.
Điều trị bằng thuốc nhắm đến việc giảm các triệu chứng tức thời, giúp người bệnh duy trì sinh hoạt bình thường. Các loại thuốc thường dùng như thuốc giảm đau thần kinh, thuốc chống trầm cảm lo âu... Tuy nhiên, những loại thuốc này cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và lưu ý theo dõi các tác dụng phụ nếu phát sinh.
Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo, những bệnh nhân có các dấu hiệu của bệnh lý đau xơ cơ, đặc biệt là đau cơ xương lan tỏa nên sớm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
*Nguồn: Sưu Tầm