Đầu gối xuất hiện cơn đau, sưng, có thể phát ra tiếng lục cục, đi lại khó khăn… có thể là những dấu hiệu cho thấy dây chằng bị đứt.
Đứt dây chằng là một trong những tổn thương thường gặp, có thể xảy ra do chấn thương thể thao, tai nạn giao thông, té ngã trong sinh hoạt hàng ngày... Nhiều người bị đứt dây chằng chéo cho biết nghe thấy tiếng lục cục ở đầu gối chấn thương. Tuy nhiên, theo ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, không phải tất cả những người bị đứt dây chằng đều có hiện tượng này, một số triệu chứng khác phổ biến hơn như:
Đau đớn: Cơn đau xuất hiện dọc theo dây chằng khớp gối. Một số người có thể cảm thấy đau đến mức khó đứng dậy hoặc chèn ép ở đầu gối.
Sưng tấy: Tình trạng này thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ khi bị chấn thương.
Vận động khó khăn: Sau khi bị đứt dây chằng đầu gối, người bệnh vẫn có thể đi lại. Tuy nhiên, sẽ rất khó di chuyển ở vị trí chân bị chấn thương. Đứt dây chằng còn có thể gây ra tình trạng lỏng lẻo khớp gối. Lúc này, người bệnh không thể uốn cong và gập đầu gối như bình thường, khó thực hiện đứng trụ...
Sau khi bị đứt dây chằng vẫn có thể đi lại, do đó, một số người có xu hướng chủ quan không điều trị hoặc điều trị chậm trễ. Điều này sẽ dẫn đến những biến chứng như:
Thoái hóa khớp gối: Tổn thương dai dẳng ở khớp gối sẽ dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm các thành phần cấu tạo nên khớp và tạo điều kiện khiến cho thoái hóa khớp gối phát triển.
Teo cơ đùi: Khi dây chằng gối bị đứt lâu ngày không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, làm giảm phạm vi chuyển động. Lúc này, cơ đùi bị giảm hoạt động trong một thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng teo cơ.
Rách sụn chêm: Sụn chêm nằm giữa 2 đầu xương đùi và xương chày. Đây là bộ phận rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi khớp gối mất vững do đứt dây chằng.
Đi khập khiễng: Đứt dây chằng làm cho mâm chày bị xô lệch, ảnh hưởng đến độ vững của khớp gối. Do đó, người bệnh sẽ gặp phải những tình trạng như đau khi đi lại, đi khập khiễng.
Bác sĩ Anh Vũ khuyến cáo, khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo đứt dây chằng đầu gối, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám. Phát hiện tổn thương sớm giúp làm tăng khả năng điều trị thành công cũng như đẩy nhanh tốc độ phục hồi của người bệnh. Tùy vào mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:
Sơ cứu RICE thường được áp dụng trong những trường hợp tổn thương dây chằng nhẹ. Phương pháp này bao gồm các bước như: chườm đá lên vùng bị đau, kê cao chân và nghỉ ngơi nhiều hơn. Ngoài ra, để giảm sưng, người bệnh có thể băng ép quanh đầu gối.
Điều trị bằng thuốc như thuốc kháng viêm để giúp giảm sưng và đau. Trường hợp đau nhiều, người bệnh có thể được chỉ định tiêm steroid vào đầu gối.
Nẹp gối: Tổn thương dây chằng ở mức độ nhẹ và vừa có thể khỏi bằng cách đeo nẹp đầu gối khi đi lại hoặc chơi thể thao.
Vật lý trị liệu: Các bài tập này có tác dụng tăng cường các cơ xung quanh đầu gối, giúp người bệnh lấy lại toàn bộ khả năng chuyển động như ban đầu. Người bệnh cần tập luyện trong một thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ để đầu gối trở lại hoạt động bình thường.
Phẫu thuật: Phương pháp này được chỉ định khi người bệnh bị đứt toàn bộ dây chằng, mất chức năng dây chằng và khớp gần như mất khả năng vận động. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ nối lại dây chằng bị đứt hoặc thay thế bằng dây chằng nhân tạo. Nếu kết quả phẫu thuật tốt, kết hợp với vật lý trị liệu, người bệnh có thể quay lại với các môn thể thao yêu thích trong khoảng 6 - 12 tháng.
Nguồn: Sưu tầm