Những cơn đau ở khuỷu tay hoặc cảm thấy khó khăn khi cầm nắm là dấu hiệu của hội chứng khuỷu tay tennis.
Viêm gân khuỷu tay còn được gọi là hội chứng khuỷu tay tennis (tennis elbow). Theo thống kê từ Medical News Today, khoảng 50% người chơi tennis sẽ trải qua hội chứng khuỷu tay này trong cuộc đời và thường ở độ tuổi từ 30 - 50. Tuy nhiên, không chỉ riêng người chơi tennis mà ngay cả những người có công việc cần sử dụng nhiều đến khuỷu tay cũng mắc phải hội chứng này.
Các chuyên gia y tế cho biết, khuỷu tay tennis là một chấn thương phổ biến, rất cần thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Nếu không chữa trị trong thời gian dài, hội chứng khuỷu tay tennis sẽ gây yếu cơ và làm cứng khớp. Dưới đây là những dấu hiệu giúp người bệnh phát hiện sớm.
Đau ở khuỷu tay
Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của bệnh khuỷu tay tennis là cảm giác đau ở khớp khuỷu tay. Phần lớn các cơn đau thường tập trung xung quanh mặt ngoài của cẳng tay và dưới vị trí uốn cong của khuỷu tay. Cảm giác đau này thường xảy ra sau khi người bệnh chơi thể thao vào buổi sáng và có xu hướng biến mất trong vòng một ngày.
Khó cầm nắm đồ vật
Gặp khó khăn khi cầm nắm cũng là một dấu hiệu khác của hội chứng khuỷu tay tennis. Theo các nhà khoa học, hội chứng này sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ và gân ở cẳng tay. Khi người bệnh thực hiện chuyển động ở cánh tay, các gân và cơ này sẽ bị căng thẳng hơn và khiến người bệnh cảm thấy đau khi nhấc hoặc cầm nắm đồ vật.
Đau cánh tay
Khi cơn đau lan đến cánh tay là dấu hiệu cho thấy hội chứng khuỷu tay tennis đã trở nặng. Lúc này, các cơ đang bị căng quá mức và làm cơn đau trầm trọng hơn. Do đó, người bệnh luôn có cảm giác đau, kể cả lúc không chơi thể thao hoặc chỉ vận động nhẹ như lái xe máy, đánh răng,...
Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện một trong những dấu hiệu trên, người bệnh nên cho cánh tay bị thương được nghỉ ngơi và dừng lại tất cả các hành động có nguy cơ làm bệnh trở nặng như nâng đồ nặng và ngừng chơi thể thao... Ngoài ra, người bệnh có thể chườm lạnh khoảng 10 - 15 phút từ 4 - 5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau ít nhất 2 giờ. Nếu nhận thấy tay có dấu hiệu sưng đỏ, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm.
Cách phòng ngừa
Theo các chuyên gia, một số thay đổi nhỏ có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng khuỷu tay tennis. Cách đơn giản nhất thường được khuyến cáo là tập thói quen khởi động trước khi chơi thể thao. Vài phút ngắn ngủi này sẽ giúp cổ tay và cánh tay được kéo giãn và tránh chấn thương.
Nếu từng mắc hội chứng khuỷu tay tennis, người bệnh vẫn có thể chơi thể thao với lượng thời gian tăng dần. Lưu ý tránh chơi quá sức để cơ thể từng bước hồi phục lại khả năng tập luyện.
Nguồn: Sưu tầm