Nhận biết sớm các dấu hiệu loãng xương giúp điều trị kịp thời, từ đó làm chậm quá trình phát triển của bệnh cũng như ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm dần theo thời gian, làm cho xương liên tục mỏng dần, giòn hơn, dễ tổn thương và dễ gãy dù chỉ với chấn thương nhẹ. ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết loãng xương là một bệnh lý tiến triển âm thầm. Người bệnh thường không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các chấn thương nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh là:
Thay đổi dáng đi: Khi mật độ xương giảm sẽ làm cho xương cột sống bị xẹp, gãy lún. Người bệnh sẽ bị suy giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng. Ngoài ra, người bệnh còn có thể cảm nhận những cơn đau lưng cấp hoặc những đợt mỏi dọc theo các xương dài, châm chích toàn thân.
Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể như xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối... Người bệnh thường bị đau âm ỉ kéo dài. Cơn đau tăng dần khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu; thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
Đau tại cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn do loãng xương ảnh hưởng tới những dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Cơn đau ở lưng có xu hướng trở nặng khi người bệnh vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Do đó, người bệnh thường gặp khó khăn khi thực hiện các tư thế như cúi gập, xoay hẳn người.
Tình trạng loãng xương ở người trung niên còn có thể kèm theo những dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp...
Biến chứng thường gặp của loãng xương là gãy xương. Người bệnh có thể bị gãy xương, suy giảm khả năng vận động chỉ với những va chạm nhẹ, thậm chí cúi gập người hoặc ho, hắt hơi cũng có khả năng làm gãy xương. Đặc biệt, người lớn tuổi khi bị gãy xương thường phải nằm bất động một chỗ trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn tới những biến chứng khác như viêm phổi, hoại tử, tắc mạch chi... Lún xẹp đốt sống là biến chứng loãng xương có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn, số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều làm cho tình trạng thoái hóa cột sống diễn tiến nhanh hơn.
Bác sĩ Thúy Vân chia sẻ, loãng xương là một bệnh lý không có dấu hiệu rõ rệt, nếu không phát hiện và kiểm soát tốt có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm này, người bệnh nên chủ động thăm tầm soát loãng xương. Hai phương pháp kiểm tra mật độ xương thường gặp là đo loãng xương và xét nghiệm máu, nước tiểu.
Đo loãng xương hoặc đo mật độ xương là kỹ thuật dùng tia X năng lượng kép hoặc chụp CT để xác định hàm lượng canxi, các khoáng chất có trong xương, từ đó phát hiện các vấn đề về loãng xương và mất xương. Các khu vực thường được thực hiện đo mật độ xương là cột sống, hông hoặc xương cẳng tay. Hiện nay, tại một số bệnh viện lớn với hệ thống máy móc hiện đại, khi thực hiện đo mật độ xương để chẩn đoán tình trạng loãng xương, người bệnh có thể được đồng thời đánh giá nguy cơ gãy xương, vôi hóa...
Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp kiểm tra lượng nội tiết tố, tìm kiếm những yếu tố nguy cơ làm tăng sự mất xương như tình trạng thiếu hụt các loại vitamin hay khoáng chất trong cơ thể.
Theo bác sĩ Thúy Vân, loãng xương là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, thăm khám sức khỏe định kỳ vẫn có thể làm chậm tiến trình loãng xương. Ngoài ra, ngay khi phát hiện các dấu hiệu loãng xương, người bệnh có thể kiểm soát tình trạng này và ngăn ngừa biến chứng nếu có phác đồ điều trị thích hợp.
*Nguồn: Sưu Tầm