Bệnh nhân rách sụn chêm được bác sĩ khâu bảo tồn và sử dụng khối máu đông ngoại biên để tăng cường khả năng liền thương.
Sau cú ngã cùng một tiếng rắc khô khốc, Phạm Anh Đức (sinh năm 1997, quê ở Thái Bình) thấy đầu gối đau và không cử động được. Đến khoa Chấn thương chỉnh hình BVĐK Tâm Anh Hà Nội thăm khám, Đức được Ths.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền chẩn đoán rách sụn chêm trong gối trái và chụp MRI khẳng định. Phương pháp điều trị được đưa ra là khâu sụn chêm kết hợp fibrin clot (kỹ thuật làm đông máu tự thân thành khối fibrin) tạo "keo dính sinh học" giúp tăng cường khả năng liền thương.
Đây là trường hợp đầu tiên tại BVĐK Tâm Anh sử dụng fibrin clot từ máu ngoại biên tăng cường cho khâu bảo tồn rách sụn chêm đơn độc. Trước đây, một số lựa chọn tăng cường yếu tố sinh học trong phẫu thuật sụn chêm thường dùng như huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) hoặc tế bào gốc từ máu hoặc tủy xương tự thân cũng đã được nghiên cứu và khẳng định hiệu quả. Tuy vậy, chúng lại làm gia tăng chi phí cũng như thời gian điều trị. Ưu thế của Fibrin clot là có thể thực hiện ngay trong mổ, không làm tăng chi phí phẫu thuật và nhìn chung ít xâm lấn.
Bác sĩ Quyền giải thích, trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân đứt dây chằng chéo trước sẽ có rách sụn chêm kèm theo. Máu từ tủy xương trong quá trình khoan đường hầm tái tạo dây chằng chéo sẽ kích thích liền sụn chêm. Nhưng khi rách sụn chêm đơn thuần, đặc biệt các trường hợp rách sụn chêm phức tạp, mạn tính, hoặc rách do thoái hóa, tỷ lệ phẫu thuật thành công được ghi nhận lại thấp hơn. Nhiều khả năng do thiếu yếu tố kích thích sinh học từ máu tủy xương. Vì vậy, fibrin clot là một lựa chọn rất tiềm năng trong việc hỗ trợ tái tạo sụn chêm, tăng khả năng thành công.
Qua nội soi, các tổn thương bên trong khớp gối được quan sát rõ ràng chỉ qua 2 đường mổ chưa đến 1cm. Phần sụn chêm rách tương ứng trên hình ảnh MRI bật hẳn vào trong khuyết giữa hai lồi cầu đùi gây kẹt khớp. Bác sĩ Quyền tiến hành nắn lại sụn chêm rách đưa vào vị trí ban đầu. Sau đó, khối fibrin clot được đưa vào đúng giữa vị trí rách bằng một kỹ thuật đặc biệt và khâu sụn chêm bằng kỹ thuật thường quy.
Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi chỉ vỏn vẹn 30 phút. Ngày thứ nhất sau mổ, Anh Đức đã có thể tập vận động gối nhẹ nhàng. Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân đã có thể xuất viện, tái khám sau 7 ngày. Tuy vậy, bác sĩ vẫn chưa cho bệnh nhân tì lên chân mổ và gập gối quá 90 độ để bảo vệ các múi chỉ khâu sụn chêm trong 6 tuần đầu tiên.
Sụn chêm là một cấu trúc sụn sợi bên trong khớp gối, nằm giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày. Đặc trưng chung của sụn chêm là dai, có tính đàn hồi cao, vì vậy nó hoạt động như hệ thống giảm xóc giúp hấp thụ một phần lực truyền qua khớp gối. Ngoài ra nó còn có vai trò tăng cường độ vững cho khớp và bôi trơn và thu nhận cảm giác bên trong khớp.
Sụn chêm có thể tổn thương trong 2 hoàn cảnh, do thoái hóa khớp vì lão hóa, khiến cơ thể mất nước, cấu trúc sụn chêm trở nên giòn hơn và nhạy cảm với tổn thương dù nhẹ. Tình huống thứ hai là những chấn thương mạnh gây đứt dây chằng, nhiều trường hợp gây rách sụn chêm đồng thời. Rách sụn chêm cũng có thể xuất hiện sau khi đứt dây chằng, nhưng không được điều trị phù hợp. Do khớp gối mất vững (bán trật) lặp đi lặp lại làm tăng nguy cơ tổn thương thêm và rách sụn chêm. Rách sụn chêm sẽ gây ảnh hưởng tới vận động, đi lại của người bệnh.
Bác sĩ Quyền cho biết rách sụn chêm nếu không được điều trị phù hợp (khâu bảo tồn) mà bị cắt bỏ hoặc bỏ sót sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp trong tương lai. Cách điều trị hiện đại nhất ngày nay là cố gắng khâu phục hồi bảo tồn sụn chêm (tỷ lệ thành công là 80%, 20% thất bại). Bệnh nhân sau phẫu thuật khâu sụn chêm cần giữ không tì lên chân đau trong 4-6 tuần và có thể gập gối từ 0-90 độ, sau 3 tháng có thể tập nhẹ như đạp xe, đi bộ. Cần khoảng 6-9 tháng phục hồi để bệnh nhân có thể quay lại chơi thể thao.
Bác sĩ Quyền khuyên cần phát hiện sớm rách sụn chêm để tránh các biến chứng. Dấu hiệu cảnh báo sau chấn thương khoảng 3-6 tuần vẫn còn đau và tràn dịch khớp gối; đi lại hoặc ngồi xổm cảm giác kẹt khớp; cảm giác được âm thanh bất thường trong khớp. Một số bệnh nhân bị khóa khớp (không duỗi hết hoặc không gấp vào sâu như bình thường) thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra người bệnh cần tuân thủ đúng các liệu trình điều trị vì phẫu thuật luôn kèm một quá trình dài phục hồi chức năng.
Nguồn: Sưu tầm