Phương Nga, nữ VĐV Judo của đoàn Đồng Nai, giành HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc dù 7 tháng trước bị rách sụn chêm chưa biết ngày hồi phục.
Trong ngày thi đấu cuối cùng của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX hôm 14/12 tại Nhà thi đấu Hoài Đức, Hà Nội, Phương Nga đã cùng một nữ đồng đội giành huy chương vàng nội dung kỹ thuật Ju No Kata. Như vậy là sau 7 tháng phẫu thuật chấn thương, Phương Nga đã có thể phục hồi phong độ và đánh dấu sự trở lại sàn đấu với thành tích cao. Thời gian qua, nữ võ sĩ đã kiên trì điều trị chấn thương đầu gối và tập luyện.
Tại SEA Games 31 diễn ra hồi tháng 5 năm nay, Nga không may bị chấn thương và phải ra về với huy chương đồng. Khi đó, đang thi đấu nội dung Katame No Kata (bài quyền về các kỹ thuật đè, khóa, siết của địa chiến), nữ võ sĩ dần mất thăng bằng chân trái ở những phút cuối, khuỵu chân đau đớn. Cô được các nhân viên y tế dùng cáng khiêng vào trong và không thể tiếp tục thi đấu.
"Nhớ lại khoảnh khắc chấn thương trên sàn đấu, tôi không rõ điều gì đã xảy ra bên trong đầu gối của mình nhưng lại cảm thấy chân rất đau. Kèm theo đó là cảm giác nuối tiếc về một mùa giải không thành công", Phương Nga chia sẻ.
Cô được TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chẩn đoán chân trái bị rách sừng trước sụn chêm ngoài và chỉ định phẫu thuật ngay sau đó.
"Khi nhận được chẩn đoán tại bệnh viện, tôi hồi hộp hy vọng ca phẫu thuật diễn ra thật thành công để sớm trở lại sàn đấu", Phương Nga nói thêm.
TS.BS Nam Anh đã trực tiếp thực hiện kỹ thuật outside-in để khâu bảo tồn sụn chêm, nhằm đảm bảo việc đi lại thoải mái sau mổ cho Phương Nga. Đặc biệt, sau khi khâu, dùng máy phát sóng radio cao tần Radio Frequency để đốt bề mặt mặt sụn khớp bị tổn thương, giúp sụn đông cứng trở lại nhanh chóng cho nữ võ sĩ. Cuộc phẫu thuật diễn ra thành công. Từ ngày thứ hai sau mổ, Phương Nga đã có thể đi lại bằng nạng, gập chân sâu và duỗi ra hết biên độ.
Để thực hiện thuần thục các động tác như hiện tại, Phương Nga cho biết, ngoài những bài vật lý trị liệu tại nhà theo chỉ định từ bác sĩ, cô tranh thủ đến nhà thi đấu để tập luyện thêm cùng các võ sĩ khác, vì tính chất bộ môn Judo buộc phải thực hiện hai người. Đây cũng là cách để cô tránh tâm lý sợ chấn thương sau cuộc mổ.
Trong lần tái khám vào đầu tháng 8, TS.BS Nam Anh đánh giá chân trái của nữ võ sĩ đã hồi phục khoảng 70% so với chân còn lại. Theo bác sĩ, nhóm cơ tứ đầu đùi và nhóm cơ vùng háng của Phương Nga đã ổn định hơn. Các vết mổ khi ấn vào không còn cảm giác đau cũng là dấu hiệu cho thấy sụn chêm đã dần trở lại như cũ.
Ngoài những chẩn đoán cơ bản, Phương Nga cũng được chỉ định thực hiện các kiểm tra về sụn chêm và nhảy lò cò một chân. BS Nam Anh nhận xét những bài kiểm tra hiện tại cho thấy tình trạng nhuyễn sụn khớp gối ở chân trái của bệnh nhân đã được khắc chế thành công.
Đánh giá về các bài tập hỗ trợ thể lực của vận động viên Phương Nga, bác sĩ Nam Anh cho biết bệnh viện đã đặt mục tiêu giúp bệnh nhân tìm lại cảm giác bản thể sau cuộc mổ. Đó là các bài tập chuyên sâu vào sức căng của khối cơ thuộc nhóm cơ tứ đầu đùi và nhóm cơ gập. Kèm theo đó là các động tác chạy nhảy để vận động viên này sớm lặp lại phản xạ cho chân trái. Do đặc thù của bộ môn Judo là đối kháng nên bệnh nhân sẽ cần thời gian hồi phục nhanh và được thi đấu trở lại.
"Mức độ hồi phục sụn chêm của Phương Nga rất tốt. Yếu tố thành công này đến từ độ tuổi của người bệnh còn khá trẻ và thể lực trước đó của bệnh nhân cũng đã rất cao. Do đó, vận động viên này hoàn toàn có thể thi đấu trở lại bình thường và có thể tham gia vào các giải đấu", bác sĩ Nam Anh nói thêm.
TS.BS Nam Anh cũng bày tỏ niềm vui vì Phương Nga đã trở lại thành công sớm hơn dự tính sau chấn thương. Để quay lại chơi thể thao, không chỉ dựa vào điều trị, người bệnh còn phải tập luyện để lấy lại cảm giác bản thể ở đầu gối, các phản xạ té ngã, đặc biệt là vượt qua các vấn đề tâm lý sau chấn thương. Việc lo sợ té ngã khi tập luyện là một rào cản rất lớn với người chơi thể thao, vì nỗi sợ chấn thương lần nữa luôn hiện diện trong tâm trí của họ. Điều quan trọng là người chơi cần vượt qua được rào cản tâm lý này.
Để hỗ trợ quá trình phục hồi, bác sĩ có thể đưa ra các đánh giá có tính khách quan như kết quả từ máy test dây chằng đầu gối, hoặc chủ quan như yêu cầu người bệnh tập chạy, nhảy... Từ đó, người bệnh có thể phần nào lấy lại sự tự tin khi chơi thể thao.
Nguồn: Sưu tầm