Tình trạng chân chữ X phát triển sau 8 tuổi cần được điều trị từ bác sĩ để tránh các vấn đề liên quan đến xương khớp sau này.
Tình trạng chân chữ X có biểu hiện khi trẻ đứng thẳng hai đầu gối chạm nhau, còn mắt cá chân thì cách nhau khoảng 8 cm, bàn chân xoay ra ngoài. Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ em, nhất là từ 3 đến 6 tuổi. Hầu hết trẻ sẽ tự khắc phục tình trạng chân chữ X một cách tự nhiên khi lên 7 tuổi. Ở một số trường hợp ít thấy, tình trạng chân chữ X sẽ tiếp tục đến tuổi thiếu niên. Trẻ lớn tuổi và người lớn cũng có thể mắc phải tình trạng này do ảnh hưởng của các bệnh lý từ trước.
Theo số liệu của Viện Nhi đồng Boston (Mỹ), 75% số trẻ sơ sinh từ 3 đến 5 tuổi gặp tình trạng chân chữ X. Sau đó 99% trong số này có thể tự chỉnh sửa về bình thường cho đến khi đạt 7-8 tuổi.
Tình trạng chân chữ X kéo dài với trẻ trên 8 tuổi không có biện pháp ngăn chặn nhưng các ảnh hưởng có thể được giảm thiểu. Vật lý trị liệu và tập luyện thể thao thường xuyên, đúng cách là giải pháp điều trị thay thế hiệu quả thay cho phẫu thuật.
Tình trạng chân chữ X được coi là một biển thể lành tính trong quá trình phát triển của trẻ và thường do yếu tố di truyền trong gia đình. Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác bao gồm chấn thương hoặc nhiễm trùng ở đầu gối, thiếu vitamin D và canxi trầm trọng, béo phì, viêm khớp gối.
Theo tạp chí Chỉnh hình Nhi khoa, béo phì làm cho tình trạng chân chữ X trở nên phổ biến hơn. 71% trẻ em gặp hội chứng này có một phần nguyên nhân xuất phát từ tình trạng thừa cân.
Phương pháp điều trị
Phương thức điều trị tình trạng chân chữ X phần lớn được đưa ra dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu bệnh phát triển do còi xương, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bổ sung vitamin D và canxi cho trẻ. Ngoài ra một số phương pháp điều trị đi kèm gồm:
Giảm cân
Béo phì có thể gây gia tăng áp lực lên đầu gối, làm trầm trọng hơn tình trạng chân chữ X. Nếu trẻ bị thừa cân, bác sĩ sẽ hướng dẫn một kế hoạch giảm cân lành mạnh trong quá trình điều trị.
Tập thể dục
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, tập thể dục có thể giúp gia tăng sức mạnh cho các cơ của chân, phát triển tư thế và sự cân bằng đối với những người gặp phải tình trạng chân chữ X.
Các bài tập luyện đối kháng và tập luyện sức mạnh có thể giúp hỗ trợ điều trị với trẻ em. Một số động tác được khuyến nghị bao gồm: nằm nghiêm nâng chân, tựa lưng vào tường...
Dùng dụng cụ chỉnh hình
Nếu chiều dài của hai chân không bằng nhau do hội chứng chân chữ X, bên chân ngắn hơn sẽ được sử dụng thêm phần lót giày để cân bằng chiều dài, giúp điểu chỉnh tư thế, dáng đi cũng như giảm đau chân. Đối với trẻ em bị chân chữ X sau 8 tuổi, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng nẹp hoặc thanh nẹp để định hướng sự phát triển của xương.
Phẫu thuật
Khi tình trạng nghiêm trọng, các phương pháp tập thể dục không đủ làm giảm đau và ổn định đầu gối, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Đối với trẻ em, một tấm kim loại nhỏ sẽ được chèn vào đầu gối, giúp xương phát triển đúng hướng. Sau khi xương được căn chỉnh chính xác, phẫu thuật khác sẽ được tiến hành để bỏ tấm kim loại.
Trong hầu hết trường hợp, tình trạng chân chữ X sẽ kết thúc trước khi trẻ đến tuổi vị thành niên. Đối với trẻ lớn tuổi hơn và người lới, các hình thức trị liệu gồm kéo giãn cơ, tập thể dục để nắn chỉnh đầu gối và giảm đau, hoặc sử dụng dụng cụ chỉnh hình sẽ được áp dụng. Một số trường hợp nghiêm trọng sẽ được chỉ định phẫu thuật, nhưng đây thường là biện pháp cuối cùng được lựa chọn.
Điều trị tình trạng chân chữ X rất quan trọng, bởi nếu không điều trị khi còn trẻ, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề khác liên quan đến cơ, khớp hay loãng xương sau này.
*Nguồn: Sưu Tầm