Hội chứng dải chậu chày xảy ra do vận động, tập luyện quá sức… thường gặp ở người chạy bộ.
Dải chậu chày là dải xơ dày chạy từ mào chậu tới mặt ngoài đầu trên xương chày. Dải xơ này được tạo từ phần chuyển tiếp của gân cơ mông to và cơ căng mạc đùi. Cấu trúc mỏng tương tự một lưỡi dao chạy dọc mặt ngoài đùi bám đến phần ngoài gối, có chức năng gập, xoay khớp háng và duỗi khớp gối.
Người thường xuyên chạy trên đường dài, bề mặt gồ ghề, di chuyển xuống dốc hoặc có phần hông yếu rất dễ mắc phải hội chứng dải chậu chày. Dải chậu chày khi đó bị siết chặt, kích thích, gây viêm. Tình trạng này sẽ tạo ma sát lớn ở đầu gối, gây đau nhức, cản trở khả năng vận động của người chạy.
Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng dải chậu chày như từng bị chấn thương hoặc bị siết chặt dải chậu chày quá mức; cơ hông, cơ mông và cơ bụng yếu; đi bộ trên đường dốc; ngồi quá lâu; đầu gối co duỗi yếu, thiếu linh hoạt; những hoạt động lặp đi lặp lại ở đầu gối; viêm khớp gối; chân phẳng; chân vòng kiềng.
Người chạy thường bị đau ở phía ngoài đầu dưới xương đùi, ngay trên mỏm lồi cầu ngoài xương đùi. Cơn đau tăng dần theo thời gian, đặc biệt nghiêm trọng khi chạy và di chuyển xuống dốc. Một số trường hợp có kèm theo viêm bao hoạt dịch chậu chày với triệu chứng sưng đỏ, tích tụ dịch xung quanh bao hoạt dịch, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày.
Điều trị và phòng tránh
Phần lớn trường hợp mắc hội chứng dải chậu chày thường không nghiêm trọng. Bệnh thường thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi và áp dụng đúng cách các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn vài tuần, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị đúng cách.
Ngoài ra, khi gặp những dấu hiệu này bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, cụ thể:
- Đau khi đi bộ hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi, cơn đau vẫn không thuyên giảm.
- Cứng khớp gối, không thể uốn cong.
- Sưng tấy, nổi mẩn đỏ, nóng da, thay đổi màu da đầu gối.
- Có kèm theo các chấn thương ở hông hay xung quanh khớp gối.
Để chẩn đoán hội chứng dải chậu chày, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, các triệu chứng và kiểm tra thể chất. Bạn có thể được yêu cầu thực hiện một số bài tập kiểm tra sức mạnh và sự ổn định của khớp gối. Qua đó, bác sĩ đánh giá được sự liên kết của xương chậu và độ chặt của dải chậu chày. Một số trường hợp sẽ cần tới siêu âm, X-quang, chụp MRI.
Hội chứng dải chậu chày thường được chỉ định điều trị bảo tồn. Nếu tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, các triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm trong khoảng 6 tuần. Bạn nên đảm bảo tuân thủ những nguyên tắc điều trị như tạm ngừng các hoạt động gây đau, uống thuốc giảm đau, tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi sử dụng thuốc, bạn cần tuân theo chỉ định từ bác sĩ để tránh các tác dụng phụ.
Phẫu thuật thường hiếm được chỉ định trong điều trị hội chứng dải chậu chày. Tuy nhiên, nếu người bệnh đau đớn kéo dài, gây cản trở lớn tới sinh hoạt hằng ngày và đã áp dụng những biện pháp điều trị bảo tồn nhưng không hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thực hiện phương pháp này.
Hội chứng dải chậu chày có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, đặc biệt là ở người chạy bộ. Để hạn chế rủi ro, bạn nên khởi động kỹ trước khi chạy, tập luyện với cường độ vừa phải, tránh tập quá sức, nên nghỉ ngơi hợp lý, không để cơ thể mất nước khi tập, đồng thời tuân thủ quy tắc 10% (không tăng độ dài quãng đường lên hơn 10% mỗi tuần). Ngoài ra, người chạy nên mang giày phù hợp để hỗ trợ tốt cho các hoạt động của chân. Giày chạy cần được thay mới sau khi được sử dụng khoảng 600km hoặc khi đã bị mòn. Bạn có thể cân nhắc luyện tập kết hợp để cân bằng các nhóm cơ như chạy bộ kết hợp bơi lội và chèo thuyền.
Nguồn: Sưu tầm