Hội chứng đau ngón tay cái ở mẹ bỉm sữa

Hội chứng đau ngón tay cái ở mẹ bỉm sữa

Hội chứng đau ngón tay cái ở mẹ bỉm sữa

Phòng khám đông y Tâm An

Phòng khám đông y Tâm An
Phòng khám đông y Tâm An
logo
 0938.802.809  0938 802 809  Đặt lịch
Hội chứng đau ngón tay cái ở mẹ bỉm sữa

Đau khi xòe ngón cái, cử động cổ tay… là triệu chứng đặc trưng của hội chứng De Quervain, một bệnh thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là những người nuôi con nhỏ.

BS.CKI Nguyễn Tấn Vũ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, động tác dạng, duỗi ngón cái ở vùng cổ tay bị chi phối bởi gân dạng dài và gân duỗi ngắn ngón cái. Khi thực hiện các thao tác cầm vật nặng, xoay, lắc cổ tay, rướn ngón tay... sẽ làm cho gân bị ma sát và dạng ra. Về lâu dài, khi các động tác này lặp lại thường xuyên ở cường độ cao sẽ gây viêm bao gân và viêm điểm bám gân. Hậu quả là xuất hiện tình trạng viêm điển hình, sưng - nóng - đỏ - đau tại vị trí gốc ngón cái, cổ tay. Tình trạng này gọi là hội chứng De Quervain.

Bế bé là một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng De Quervain ở mẹ bỉm sữa. Ảnh: Shutterstock

Theo bác sĩ Tấn Vũ, nếu không được điều trị kịp thời, bao gân sẽ bị xơ cứng và dày lên, cản trở hoạt động của gân, có thể ảnh hưởng đến thần kinh, gây tê bì. Bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới do ảnh hưởng của các công việc nội trợ. Đặc biệt, bệnh rất phổ biến ở mẹ bỉm sữa do động tác bế và đỡ đầu bé.

Phương pháp điều trị cho tình trạng viêm gân do hoạt động quá mức ở thể nhẹ là để cho khu vực gần đó được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ngón cái và cổ tay là một trong những bộ phận hoạt động nhiều nhất nên rất khó để nghỉ ngơi hoàn toàn hai vị trí này. Vì vậy, để cố định ngón cái, cổ tay và hạn chế cử động, người bệnh có thể dùng dụng cụ nẹp ngón cái. Nẹp này nên được đeo trong thời gian càng dài càng tốt, kể cả khi đi ngủ. Ngoài ra, chườm lạnh nhiều lần trong ngày cũng có tác dụng giảm viêm, giảm đau hiệu quả.

Trong trường hợp viêm thường xuyên tái phát và các phương pháp điều trị tại nhà không hữu ích, rất có thể bệnh đã phát triển thành mạn tính. Người bệnh nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và tư vấn. Việc tự ý dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa của các mẹ cho con bú.

Tiêm thuốc kháng viêm tại chỗ cho phép mẹ bỉm sớm cho con bú trở lại. Ảnh: Shutterstock

Đối với phương pháp dùng thuốc, có hai loại đó là thuốc tiêm tại chỗ và thuốc uống. Tiêm tại chỗ có tác dụng giảm viêm và giảm đau nhanh chóng, nồng độ thuốc trong máu thấp hơn. Do đó, nếu áp dụng phương pháp này, mẹ bỉm chỉ cần ngưng cho bé bú trong 24 giờ. Dù có hiệu quả nhanh và thời gian ngưng cho con bú ngắn, tiêm thuốc giảm viêm tồn tại một số rủi ro nhỏ như teo da tại chỗ, xơ rách gân... Do đó, người bệnh cần lựa chọn thực hiện thủ thuật tại các cơ sở y tế uy tín.

Thuốc uống bao gồm các loại thuốc giảm đau, kháng viêm. Thành phần của các thuốc này đều đi qua sữa, vì vậy, người mẹ cần vắt sữa trữ sẵn hoặc cho bé uống sữa ngoài trong 5 - 7 ngày. Để đạt hiệu quả điều trị tốt hơn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh uống thuốc kết hợp với nẹp cố định và chườm lạnh.

Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Lúc này, viêm đã làm xơ hóa và co bao gân, làm tăng tình trạng ma sát giữa gân và bao gân. Vì vậy, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật cắt mở bao gân để giải phóng gân, dễ dàng giải quyết dứt điểm tình trạng viêm mạn tính.

Bác sĩ Tấn Vũ cho biết, để phòng ngừa và ngăn chặn hội chứng De Quervain tái phát, mẹ bỉm sữa nên hạn chế ôm bế bé quá nhiều. Khi thực hiện thao tác này, cần chú ý tư thế tay, không cong hoặc dạng tay quá mức để tránh tạo áp lực lên ngón cái và cổ tay. Trong trường hợp người bệnh đã phẫu thuật, không cần hạn chế hoạt động. Ngược lại, người bệnh nên cố gắng vận động ngay sau mổ, vận động càng nhiều càng tốt để tránh hình thành sẹo dưới da, giảm nguy cơ tái phát.

Nguồn: Sưu tầm 

zalo

  Đặt lịch hẹn