Hội chứng đuôi ngựa khiến thắt lưng đau dữ dội, nếu không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nặng như đại tiểu tiện không tự chủ, tê liệt hai chân vĩnh viễn.
Hội chứng đuôi ngựa hay hội chứng chùm đuôi ngựa là tình trạng rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép, ảnh hưởng tới chức năng vận động và cảm giác của chân, bàng quang, trực tràng. Người bệnh thường nhập viện trong tình trạng cấp cứu.
BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Thần kinh Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, dấu hiệu đặc trưng của hội chứng đuôi ngựa là đau thắt lưng dữ dội, kém đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường. Ngoài ra, yếu liệt cơ, rối loạn hay mất cảm giác kèm theo đau ở một hoặc cả hai chân, mất phản xạ tại chân; rối loạn chức năng bàng quang hoặc trực tràng, dẫn đến bí tiểu, tiểu khó, đại tiểu tiện mất tự chủ; mất cảm giác vùng chậu; rối loạn chức năng sinh dục... cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý này.
Thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra hội chứng đuôi ngựa. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng này như khối u, tổn thương cột sống, nhiễm trùng cột sống, xuất huyết tủy, hẹp ống sống, dị dạng động tĩnh mạch cột sống, biến chứng sau phẫu thuật cột sống thắt lưng hay gây tê tủy sống, chấn thương ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống thắt lưng như té ngã, tai nạn giao thông...
Khi có triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa, người bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời nhằm giảm bớt áp lực lên dây thần kinh. Trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để cải thiện những khiếm khuyết cảm giác, vận động của hai chi dưới và chức năng bàng quang, trực tràng. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng liều cao corticosteroid để giảm phù nề hoặc dùng thuốc kháng sinh nếu hội chứng đuôi ngựa xảy ra do nhiễm trùng. Trong trường hợp nguyên nhân là do khối u, người bệnh có thể được đề nghị thực hiện xạ trị hoặc hóa trị sau khi phẫu thuật.
Bác sĩ Xuân Anh chia sẻ thêm, phác đồ điều trị hội chứng đuôi ngựa còn cần kết hợp với các biện pháp phục hồi chức năng cho hai chi dưới, bàng quang, trực tràng và chức năng sinh dục...
Chức năng vận động của hai chi dưới được cải thiện thông qua những bài tập vận động đánh giá và tăng cường sức cơ, tầm vận động của khớp... Ngoài ra, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh thực hiện những bài tập về khả năng di chuyển, dùng dụng cụ chỉnh trục sau phẫu thuật để giúp người bệnh di chuyển thuận tiện hơn.
Chức năng của bàng quang được cải thiện chủ yếu bằng biện pháp phục hồi chức năng bao gồm thực hiện bài tập cơ đáy chậu, cơ thành bụng, thông tiểu.
Chức năng của trực tràng được phục hồi thông qua chế độ ăn uống đảm bảo bổ sung đa dạng và đầy đủ chất dinh dưỡng, luyện tập cho đường ruột hoạt động tại một thời điểm nhất định trong ngày hoặc cách ngày, cho người bệnh ngồi bô hoặc bồn cầu.
Để phục hồi chức năng sinh dục, người bệnh sẽ được áp dụng những biện pháp như điều chỉnh rối loạn cương dương, tăng ham muốn giao hợp.
Mức độ phục hồi của mỗi người bệnh sẽ khác nhau, tùy theo mức độ tổn thương và thời điểm tiến hành điều trị. Nếu phẫu thuật sớm và kết hợp với các biện pháp hỗ trợ sau phẫu thuật, tốc độ phục hồi chức năng của ruột và bàng quang sẽ được rút ngắn. Ngược lại, với những trường hợp điều trị muộn, tổn thương vĩnh viễn có khả năng đã xuất hiện, người bệnh bị mất chức năng ruột và bàng quang cùng nhiều cơ quan khác, hội chứng đuôi ngựa đã chuyển sang thể mạn tính... Lúc này, điều trị không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, người bệnh nên lưu ý các dấu hiệu cảnh báo hội chứng đuôi ngựa để kịp thời thăm khám và điều trị.
Nguồn: Sưu Tầm