Vết bầm trên da do chấn thương, va đập thường sẽ biến mất sau vài ngày nhưng một số dấu hiệu kèm theo có thể cảnh báo nguy hiểm.
Dập xương hay bầm xương xảy ra khi bạn bị một vết thương nhỏ trên bề mặt xương. Sự đổi màu xuất hiện khi máu và các chất lỏng khác tích tụ. Mặt khác, gãy xương liên quan đến tổn thương ở vùng xương sâu hơn.
Bất kỳ xương nào đều có thể bị bầm tím nhưng có nhiều khả năng xảy ra với xương gần bề mặt da, điển hình là xương đầu gối và gót chân. Một số triệu chứng cho thấy bạn có thể bị bầm tím xương bao gồm: cứng khớp, sưng khớp, đau kéo dài hơn vết bầm tím thông thường (vết bầm da do tổn thương mạch máu khiến máu tích tụ), khó khăn khi cử động tại chỗ bầm.
Vết bầm tím liên quan đến đầu gối có thể dẫn đến sự tích tụ chất lỏng tại bề mặt và gây đau đớn. Tùy thuộc vào mức độ chấn thương, bạn cũng có thể bị tổn thương dây chằng gần đó.
Vết bầm xương có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, cần theo dõi thường xuyên để xem vết bầm có sự cải thiện hay không. Một người khó có thể nhận biết vết bầm của mình có liên quan đến một vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị.
Một số dấu hiệu nguy hiểm cần đi thăm khám kịp thời bao gồm: vết sưng không giảm, ngày càng nặng hơn, cơn đau ngày càng tăng và dùng thuốc giảm đau cũng không có tác dụng, một phần cơ thể chẳng hạn như ngón tay hoặc ngón chân, cánh tay hoặc chân chuyển sang màu xanh, lạnh và tê liệt. Vết bầm ngày một lan rộng, không lành trong vòng 2 tuần, gây mất chức năng của khớp, chi hoặc cơ, bị giảm thị lực... cũng là những dấu hiệu cần theo dõi và đi khám.
Những triệu chứng kể trên có thể cảnh báo vết bầm xương nghiêm trọng, có thể là một phần của chấn thương phần cứng hoặc bị gãy xương, chẳng hạn một vết bầm xương trên đầu gối cũng có thể cho thấy bạn đã bị đứt dây chằng.
Đặc biệt, vết bầm xương nghiêm trọng có thể cản trở lưu lượng máu, nguy cơ khiến một phần xương bị chết (mất chức năng), khi đó rất khó để cứu vãn. Do đó, nếu nhận thấy những dấu hiệu nguy hiểm cần thông báo ngay với bác sĩ để được kiểm tra và khắc phục kịp thời nếu có vấn đề.
Chẩn đoán và điều trị vết bầm xương
Nếu nghi ngờ chấn thương, chụp X-quang chỉ giúp xác định gãy xương chứ không thể giúp bác sĩ phát hiện vết bầm xương. Chụp MRI là cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có bị bầm xương hay không, ngay cả khi vết thương lớn hơn vết bầm tím.
Đối với vết bầm xương nhỏ, việc nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc giảm đau có thể giảm bớt tình trạng. Nếu chân có vết bầm, hãy kê cao để giúp giảm sưng, đồng thời chườm đá (không áp trực tiếp mà bọc trong khăn hoặc túi đá) trong 15 đến 20 phút nhiều lần trong ngày.
Trong thời gian phục hồi, cần tránh một số hoạt động thể chất và thể thao trong vài tuần hoặc vài tháng để chữa lành. Một số chấn thương có thể cần nẹp để giữ khớp cố định nhưng cần có chỉ định từ bác sĩ.
Mẹo giữ cho xương chắc khỏe
Vết bầm xương không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa nhưng một vài thay đổi trong lối sống có thể giúp xương chắc khỏe, hạn chế tối đa tổn thương khớp, bao gồm: duy trì chế độ ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất thường xuyên, sử dụng các thiết bị bảo hộ khi chơi thể thao.
Xương có xu hướng yếu đi theo tuổi tác và một số tác nhân như hút thuốc, uống quá nhiều rượu có thể làm suy yếu xương của bạn. Ngoài ra, đừng quên bổ sung đủ canxi, khuyến nghị với phụ nữ độ tuổi 19-50 và nam 19-70 nên bổ sung 1.000 mg/ ngày, và tăng lên 1.200 mg với phụ nữ sau 51 tuổi và nam giới sau 71 tuổi. Nguồn cung cấp canxi bao gồm các sản phẩm từ sữa, bông cải xanh và cải xoăn...
Bên cạnh canxi, cơ thể cũng cần nhiều vitamin D để giúp hấp thụ canxi hiệu quả. Phơi nắng mỗi ngày là một cách tốt để hấp thụ vitamin D, trong khi lòng đỏ trứng và sữa bổ sung vi chất cũng là nguồn cung cấp dồi dào. Theo Thư viện Y khoa Mỹ, người lớn từ 19 - 70 tuổi nên bổ sung từ 600IU vitamin D và sau 71 tuổi tăng liều lên 800IU.
Nguồn: Sưu tầm