Chấn thương khớp là nỗi ám ảnh đối với cầu thủ bóng đá, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, bởi có thể nghỉ thi đấu hoặc kết thúc sự nghiệp sân cỏ.
Thống kê 1.358 cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp tại Đức, được đăng trên British Journal of Sports Medicine (BJSM) cho thấy, 70,7% chấn thương mà các cầu thủ gặp phải nằm ở chi dưới, trong đó khớp gối có nguy cơ chấn thương cao hàng đầu. Sau đầu gối, những vị trí khớp dễ bị chấn thương khi chơi bóng đá gồm khớp mắt cá chân, khớp ngón chân, khớp vai, khớp cổ tay...
Chấn thương khớp gối
Những chấn thương khớp gối phổ biến trong bóng đá gồm: rách sụn chêm; giãn hoặc rách dây chằng chéo trước (ACL), dây chằng giữa gối (MCL) và dây chằng chéo sau (PCL); trật khớp; bong gân...
Đầu gối bị chấn thương khi chơi đá bóng chủ yếu do thay đổi hướng chuyển động đột ngột, giảm hoặc tăng tốc độ chạy bất ngờ, va chạm hoặc té ngã mạnh, xoắn đầu gối để cướp và giữ bóng; nhảy cao và tiếp đất không đúng kỹ thuật, vào sân khi chưa khởi động kỹ càng...
Chấn thương mắt cá chân
Bong gân mắt cá chân là một trong những chấn thương bóng đá thường gặp nhất. Vận động cường độ cao, nhịp độ nhanh và liên tục là lý do chính dẫn đến chấn thương này. Ngoài ra, bong gân mắt cá còn đến từ một pha vào bóng hoặc sút bóng mạnh, không khởi động làm nóng cơ thể, sử dụng giày không phù hợp, sân bóng ẩm ướt, trơn trượt khiến người chơi bị té ngã khi chạy, nhảy...
Chấn thương khớp ngón chân
Trong môn thể thao vua, các cầu thủ cần cảnh giác với chấn thương bong gân khớp ngón chân cái (Turf toe). Tình trạng này thường là hậu quả của việc căng duỗi quá mức ngón chân cái khi chạy, nhảy. Bên cạnh đó, đi giày quá chật hoặc bị đối thủ phạm lỗi, giẫm/đạp mạnh lên bàn chân cũng có thể dẫn đến bong gân khớp ngón chân cái.
Khớp vai
Những chấn thương vai khi chơi đá bóng dễ mắc phải là gãy xương đòn, bong gân khớp cùng vai đòn (còn gọi là tách khớp vai AC) và trật khớp. Khớp vai bị chấn thương trong các tình huống cụ thể như: Người chơi ngã đập vai trực tiếp xuống đất, xoay vai quá mạnh, vung tay quá rộng hoặc quá cao...
Khớp cổ tay
Rách dây chằng, viêm bao gân De Quervain, trật khớp và gãy xương là những chấn thương khớp cổ tay đáng chú ý khi chơi đá bóng. Chấn thương khớp cổ tay xảy ra khi người chơi bị ngã trong tư thế cánh tay dang rộng, đặc biệt là tình huống thủ môn dùng hai tay bắt bóng trên cao, rồi tiếp đất bằng khuỷu tay và cổ tay hoặc cố gắng vươn tay đỡ bóng.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, ngoài những vị trí khớp dễ chấn thương trên, cầu thủ còn có nguy cơ chấn thương ở khớp háng, khớp bàn tay, cột sống thắt lưng... Những chấn thương khớp không chỉ gây đau nhức dữ dội, mà còn có thể làm mất khả năng cử động, khiến nhiều người phải tạm hoãn hoặc ngừng chơi đá bóng. Đặc biệt, chấn thương thể thao nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp sớm.
Nghiên cứu do Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Thế giới (FIFPro) thực hiện trên 400 cầu thủ đang hoạt động và 900 cựu cầu thủ chỉ ra, cầu thủ bóng đá có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao gấp 2,5 lần nếu gặp một chấn thương đầu gối nghiêm trọng trước đó.
Nghiên cứu cho thấy khi tế bào sụn (chondrocytes) trải qua kích thích cơ học quá mức, chúng sẽ sản xuất các men phân hủy cấu trúc nền của sụn khớp, như các metalloproteinase (MMPs), cũng như yếu tố hoại tử khối u (TNF–α), interleukin IL-1β, IL-6, và các enzym phân giải protein khác nhau. Ngoài ra chúng cũng tạo ra một số phân tử khác tham gia vào các phản ứng viêm, bao gồm prostaglandin E2, NO, và yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF). Các yếu tố này là các tác nhân làm cho khớp gối bị đau và cứng cục bộ, nếu kéo dài sẽ gây viêm khớp.
Do đó, để niềm đam mê sân cỏ không bị gián đoạn bởi chấn thương khớp, bác sĩ Anh Vũ khuyên người chơi bóng đá nên chú ý kỹ phần khởi động trước khi thi đấu và tập giãn cơ đúng cách khi kết thúc trận, uống đủ nước, trang bị đủ dụng cụ bảo vệ khớp và bổ sung dưỡng chất chuyên biệt cho khớp.
Cụ thể, các vận động viên nên dành ít nhất 30 phút khởi động trước khi thi đấu để làm nóng cơ thể, từ đó thúc đẩy tuần hoàn máu đến các khớp, đồng thời kéo giãn cơ bắp, hỗ trợ khớp cử động trơn tru. Thực hiện các bài tập khởi động lý tưởng là nâng cao đùi, chạy chậm, xoay người, vờn bóng, chuyền bóng, kéo căng cơ bắp... trong khoảng 10-15 phút.
Sau khi kết thúc trận đấu, nên dành 5-10 phút để tập giãn cơ thắt lưng, giãn cơ đùi trước/sau, căng cơ vai... Làm nguội sau khi chơi đá bóng sẽ giúp hạ nhiệt độ cơ thể, giảm nhịp tim, nhịp thở và đưa hệ cơ xương khớp về trạng thái bình thường.
Cầu thủ cũng cần chuẩn bị các dụng cụ thể thao như đai nịt khớp gối, băng quấn cổ chân, đai đeo cổ tay, giày thể thao phù hợp... để bảo vệ các khớp khỏi tác động của ngoại lực, tăng khả năng phòng tránh chấn thương khi đá bóng.
Uống đủ nước giúp cơ bắp và mô cầu thủ giữ được độ ẩm cần thiết để đệm lót, hỗ trợ khớp trong từng chuyển động. Thói quen này cũng giúp tránh được tình trạng sương mù não, giúp người chơi phản ứng nhanh với các tình huống bất ngờ, giảm chấn thương. Lượng nước lý tưởng là khoảng 600 ml nước trước khi thi đấu 2-3 giờ trước, 284 ml nước sau mỗi 20 phút và khoảng 600ml sau khi kết thúc trận đá bóng.
Song song, cầu thủ nên nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp bổ sung các dưỡng chất từ thiên nhiên chuyên biệt cho khớp như: Eggshell Membrane, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide thủy phân, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate... Nghiên cứu cho thấy, các tinh chất này có khả năng điều hòa miễn dịch, kích thích tái tạo sụn khớp, cải thiện điều tiết dịch nhờn và kiểm soát viêm, từ đó hỗ trợ giảm đau và thúc đẩy phục hồi khớp tốt hơn.
Một nghiên cứu của Medicus Research tại Mỹ cũng chỉ ra, bổ sung 40mg Collagen Type 2 không biến tính mỗi ngày ở những người khỏe mạnh, chơi thể thao vận động nhiều, có thể làm giảm sự khó chịu của khớp trong các hoạt động thể chất hàng ngày và hỗ trợ khả năng vận động của khớp tốt hơn.
Trường hợp gặp chấn thương, các vận động viên cần được sơ cứu bằng phương pháp RICE: Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá), Compression (băng ép) và Elevation (kê cao vị trí chấn thương). Nếu chấn thương nghiêm trọng, người bệnh cần được thăm khám sớm để có cách xử trí phù hợp, bác sĩ Anh Vũ nhấn mạnh.
Nguồn: Sưu tầm