Tôi 29 tuổi, có người nhà từng bị đột quỵ. Xin hỏi bác sĩ, người trẻ nên lưu ý gì để bảo vệ thành mạch máu tốt và chống huyết khối (cục máu đông), giảm nguy cơ đột quỵ sau này? (Nguyễn Mạnh Hùng, TP HCM)
Trả lời:
Đột quỵ là tình trạng tắc nghẽn mạch máu gây thiếu máu nuôi não. Hai nguyên nhân thường gặp nhất là do xơ vữa mạch máu và thuyên tắc huyết khối. Hiện tượng xơ vữa mạch máu bắt đầu xuất hiện trung bình từ 30 tuổi, tuy nhiên, có thể sớm hay muộn hơn tùy theo cơ địa, thể trạng. Ban đầu, trên thành mạch máu sẽ xuất hiện các tế bào bọt, sau đó các thành phần mỡ xấu trong máu sẽ di chuyển đến đó và bị dính lại, lắng đọng tạo nên mảng xơ vữa. Lâu ngày, chúng sẽ bít dần lòng mạch máu. Đôi khi, các mảng xơ vữa không ổn định bong ra di chuyển đến nơi lòng mạch máu hẹp hơn gây ra bít tắc mạch máu.
Tổn thương mạch máu do phẫu thuật hoặc chấn thương hoặc nằm bất động trong quá trình hồi phục cũng có thể gây ra huyết khối. Ngoài ra, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch (VTE) cũng thường cao hơn ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai và ở những người sử dụng thuốc tránh thai đường uống hoặc dùng liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh có chứa estrogen (đường uống). Các cục huyết khối có thể xuất phát từ tim hay chân di chuyển lên não, gây bít tắc các mạch máu não.
Chế độ ăn dựa trên thực vật, hạn chế thực phẩm chế biến để giảm chất béo, muối..., tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng giúp giảm nguy cơ tiềm ẩn gây xơ vữa mạch máu và hình thành cục máu đông. Đây nên được coi là biện pháp can thiệp chính, giúp giải quyết các yếu tố rủi ro có thể thay đổi được.
Ngay từ tuổi 20-30, mỗi người cần có chế độ ăn hạn chế các chất mỡ xấu như nội tạng, da, thịt mỡ, lòng đỏ trứng. Một số chất dinh dưỡng, bao gồm nhân sâm, bạch quả, tỏi và ca cao được thử nghiệm lâm sàng có thể giảm khả năng hình thành huyết khối.
Giữ cân nặng hợp lý không để béo phì, tập thể dục vừa phải, đều đặn. Khám tầm soát đột quỵ định kỳ giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim.... Từ đó, bác sĩ có hướng dẫn cụ thể các phương pháp điều trị nếu có và kế hoạch thăm khám định kỳ.
Xơ vữa mạch máu và các cục máu đông có thể được chẩn đoán qua siêu âm chuyên dụng, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp mạch máu số hóa xóa nền. Các xét nghiệm máu cũng có thể hữu ích trong việc xác định xem có tồn tại cục máu đông hay không và để theo dõi xu hướng hình thành cục máu đông của máu.
Bạn nên duy trì chế độ ăn, sinh hoạt khoa học và đến cơ sở y tế có khả năng tầm soát đột quỵ để thăm khám định kỳ. Bác sĩ sẽ có những tư vấn rõ và cụ thể hơn vì mỗi đối tượng thường có các nguy cơ, kế hoạch theo dõi và chăm sóc khác nhau.
Nguồn: Sưu tầm