Trật khớp vai nếu không kịp thời xử lý có thể để lại di chứng làm giảm hoặc mất chức năng khớp vai, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người bệnh.
Trật khớp vai là một trong những chấn thương thường gặp khi chơi thể thao, đặc biệt là khi tham gia các bộ môn như đẩy tạ, bóng chuyền, bóng đá, bơi lội... Đây là tình trạng chỏm xương cánh tay bị trật khỏi ổ chảo xương bả vai, gây biến dạng khớp. Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn và không cử động được khớp vai, biến dạng ở khớp vai bị trật, khu vực quanh vùng vai và cánh tay bị sưng, bầm tím hoặc tê bì phía dưới cổ bàn tay.
ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nguyên tắc chung trong điều trị trật khớp là kéo nắn rồi băng bất động trong khoảng 2-4 tuần đối với tình trạng mới gặp chấn thương. Vì vậy, khi xảy ra va chạm dẫn đến trật khớp vai, người bệnh cần ngừng ngay các hoạt động thể thao đang thực hiện, chườm lạnh lên vùng bị tổn thương để giảm sưng đau, không tự ý nắn chỉnh khớp và đến gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách. Những hướng điều trị trật khớp vai bao gồm:
Nắn sai khớp vai
Phương pháp điều trị này được áp dụng cho những trường hợp trật khớp mới. Bác sĩ sẽ thực hiện một vài thao tác nhẹ nhàng để nắn chỏm xương cánh tay trở về vị trí ban đầu trong hõm khớp ổ chảo. Tùy vào mức độ sưng và đau, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thêm thuốc giãn cơ hoặc thuốc an thần, không cần gây mê khi nắn trật khớp. Khi chỏm xương cánh tay trở về vị trí ban đầu, các triệu chứng đau sẽ giảm thiểu rõ rệt.
Phẫu thuật
Người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp vai mất vững do giãn, yếu các dây chằng hoặc tổn thương xương, sụn viền khớp vai, có nguy cơ tái phát chấn thương, cần tăng cường chức năng vai. Ngoài ra, dù hiếm gặp hơn, người bệnh cũng sẽ phải phẫu thuật nếu dây thần kinh và mạch máu bị tổn thương.
Phương pháp phẫu thuật được ưa chuộng nhất hiện nay là nội soi khớp vai. Sau mổ, người bệnh sẽ được tiêm thêm một số loại thuốc giúp ngăn chặn tạm thời các tín hiệu thần kinh gây đau ở vai, giúp giảm đau sau phẫu thuật.
Cố định
Bác sĩ sẽ sử dụng một loại áo/nẹp hoặc túi treo tay đặc biệt để giữ vai của người bệnh ổn định từ vài ngày đến khoảng 3 tuần. Thời gian người bệnh cố định tay sẽ phụ thuộc vào mức độ chấn thương.
Thuốc
Bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc giảm đau hoặc giãn cơ, giúp người bệnh thoải mái hơn trong thời gian điều trị và hồi phục chấn thương.
Phục hồi chức năng
Người bệnh cần phải thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh vận động quá sớm hoặc sai cách vì có thể làm cho khớp vai bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Tập phục hồi chức năng sẽ giúp khôi phục dần tầm vận động của khớp vai, sức mạnh và sự ổn định của khớp vai.
Bác sĩ Anh Vũ khuyến cáo, trật khớp vai có nguy cơ tái phát cao, làm rách rộng các cấu trúc sụn viền và dây chằng bao khớp. Về lâu dài có thể dẫn đến khuyết xương, gãy mảnh xương, viêm chóp xoay vai, rách gân cơ chóp xoay khiến khớp vai lỏng lẻo, mất chức năng vận động, gây khó khăn trong các hoạt động hằng ngày. Vì vậy, khi gặp chấn thương khớp vai do chơi thể thao, người bệnh nên tuân thủ thời gian bất động khớp vai, thực hiện các bài tập phục hồi theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
Sau khi đã phục hồi, người bệnh vẫn nên luyện tập nhằm nâng cao sức mạnh và sự dẻo dai của vai thường xuyên, cần khởi động kĩ trước khi tập thể dục và chơi thể thao, tránh vận động quá mức. Đặc biệt, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu tái phát trật khớp vai, để kịp thời điều trị, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.
Nguồn: Sưu Tầm