Hạ kali máu ảnh hưởng lên hệ thần kinh cơ với các dấu hiệu như mỏi, yếu cơ, chuột rút, liệt chi, giảm hoặc mất phản xạ gân xương.
Gần đây, bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận điều trị cho một số bệnh nhân bị hạ kali máu gây liệt yếu tứ chi, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc hàng ngày. Đa số người bệnh không nhận biết được nguyên nhân.
Anh Trần Văn Thủy (29 tuổi, TP HCM) thường xuyên bị yếu chân và tay, đi lại khó khăn, cảm giác mệt mỏi vào mỗi sáng mới ngủ dậy. Qua thăm khám, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh cho biết, bệnh nhân tỉnh táo, chân bị yếu trước rồi đến tay, gốc chi nặng hơn ngọn chi, không có rối loạn cảm giác và phản xạ gân xương hai bên đều.
Các xét nghiệm cho thấy, mọi chỉ số của bệnh nhân đều bình thường, riêng chỉ có kali máu thấp 2,4 mmol/l. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ không thấy tổn thương. Bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh liệt chu kỳ (thường xảy ra thành từng đợt) do hạ kali máu. Bác sĩ cho người bệnh bù kali mỗi 4 giờ trong hai ngày bằng hình thức truyền qua đường tĩnh mạch; sau khi ổn định, chuyển sang kali uống.
Bác sĩ Minh Đức cho biết thêm, bệnh liệt chu kỳ thường khởi phát ở người trẻ. Cơn liệt yếu điển hình thường xảy ra vào lúc nửa đêm gần sáng sớm. Các yếu tố khởi như sau bữa ăn nhiều tinh bột hay đường, lạnh, vận động thể lực nhiều.
Trong cơ thể hai ion cần thiết cho sự co cơ là canxi và kali. Trong đó, kali là một chất điện không thể thiếu trong các hoạt động thần kinh cơ. Thiếu kali cơ thể sẽ không hoạt theo ý muốn, thường gây các triệu chứng như chuột rút, yếu cơ, liệt cơ và nguy hiểm nhất là các rối loạn nhịp tim, có thể gây tử vong nhanh chóng.
Khi hạ kali máu mức độ vừa hoặc nặng (kali máu 3-2,5 mmol/l), người bệnh có thể gặp một số triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: cảm giác mệt mỏi, đau cơ, chuột rút, yếu cơ. Khi kali máu dưới nặng (2,0mmol/l), các tình trạng nặng có thể xuất hiện như tiêu cơ vân, liệt tứ chi hoặc các triệu chứng rối loạn cơ vòng như bí tiểu, liệt ruột...
"Người bị hạ kali máu thường có những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh cơ xương khớp, thần kinh nên dễ bỏ qua chẩn đoán và điều trị. Hạ kali máu đôi khi được phát hiện tình cờ sau một xét nghiệm máu", bác sĩ Minh Đức nói.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh và cách phòng
Bệnh liệt chu kỳ do hạ kali máu thường xảy ra trên người bệnh có gene bệnh lý nhiễm sắc thể 1q31- q32. Bệnh di truyền kiểu trội theo nhiễm sắc thể thường. Hạ kali máu có thể gặp trong trường hợp ăn kiêng quá mức do các bệnh lý đường tiêu hóa gây nôn nhiều, khiến lượng kali mất đi qua phân và chất thải. Bệnh nhân nặng, nằm lâu, phải nuôi dưỡng qua sonde dạ dày; bị tai biến mạch máu não, bệnh tủy sống, viêm đa dây thần kinh, mắc bệnh lý tuyến giáp... thường dễ mất kali nhiều và nhanh nhất.
Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo, để phòng ngừa hạ kali máu, người bệnh cần tránh các hoạt động thể chất nặng và kéo dài. Nếu phải hoạt động sử dụng cơ cường độ cao và mạnh thì bạn nên bổ sung các loại nước khoáng. Chế độ ăn uống đủ chất, tránh dùng các thảo dược hoặc thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng khi không có chỉ định của thầy thuốc... vì có thể gây ra hạ kali máu.
Những người đã có chẩn đoán bệnh liệt chu kỳ cần ăn thức ăn chứa nhiều kali và ít muối natri, ít bột đường, tránh ăn một lúc quá nhiều, tránh phơi mình ra trời lạnh và phải uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nội thần kinh. Các loại rau trái có nhiều kali tốt cho sức khỏe như bông cải xanh, củ dền, măng chua, rau dền, rau ngót, nhãn khô, nho khô, bơ, sầu riêng, mít, chuối...
Nguồn: sưu tầm