Với kỹ thuật mới, dụng cụ và kinh nghiệm phẫu thuật viên, phẫu thuật cột sống hiện nay diễn ra nhanh gọn, hiệu quả, không còn đáng sợ với bệnh nhân như trước đây.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh, tuổi thọ trung bình của con người hiện là 75, tình trạng thoái hóa bắt đầu khi bước vào độ tuổi 35-40. Tuy nhiên, một số trường hợp khoảng 30 tuổi đã bị thoái hóa do có các bệnh lý về sụn khớp, bệnh lý về xương, khiến cho cột sống dễ bị hư hại hơn người khác.
Đây là hệ quả của sự tiến hóa khi con người chuyển từ đi 4 chân sang đi trên 2 chân khiến cho trọng lượng không được trải đều, gây áp lực lên cột sống. Áp lực phân bố không đều, thường tập trung ở vùng cột sống thắt lưng L4-L5-S1. Khi thử đo áp lực lên vùng này ở trạng thái giữ đúng tư thế đã tương đương 150% trọng lượng cơ thể.
Theo BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Thần kinh Cột sống, BVĐK Tâm Anh, lượng người bệnh có vấn đề về cột sống đến khám tại đây chiếm khoảng 30%, một con số đáng báo động về những tổn thương cột sống hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do thoái hóa và chấn thương.
BS. Trần Xuân Anh cho biết, với nhiều người bệnh, mổ cột sống là một cuộc đại phẫu thuật, có nhiều nguy cơ tổn thương dây thần kinh tủy sống, từ đó gây yếu liệt tứ chi... Xét về yếu tố thời gian, cách đây khoảng 20 năm, đại phẫu thuật này là nỗi sợ hãi hàng đầu của người có bệnh cột sống. Những thiếu sót trong quá trình mổ cột sống khiến cho rất nhiều bệnh nhân gặp tai biến, sau mổ có hiện tượng yếu hoặc liệt. Những trường hợp đó có thể còn sống tới hiện tại và gây ra nỗi ám ảnh cho những người bệnh.
"Ngày nay, trang thiết bị và kỹ thuật phẫu thuật y khoa phát triển rất mạnh. Bác sĩ ngoại khoa cũng được đào tạo bài bản ở nước ngoài, hoặc do các bác sĩ ở nước ngoài sang huấn luyện. Họ đều được cập nhật kiến thức về các phương pháp và phác đồ điều trị mới, khiến cho trình độ của nền y học trong nước tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Nhờ đó có thể giảm đáng kể các tai biến trong phẫu thuật cột sống", BS Xuân Anh cho hay.
Phẫu thuật cột sống bằng kính vi phẫu
Tại Khoa Thần kinh cột sống, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, phương pháp vi phẫu điều trị các vấn đề về cột sống trở thành một phẫu thuật thường quy. Với sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu Opmi Vario 700 Zeiss, phẫu thuật viên có thể phóng to phẫu trường từ 20-25 lần, nhìn thấu các dây thần kinh nhỏ nhất, hạn chế tối đa tổn thương dây thần kinh và các mô lân cận, ngăn ngừa nguy cơ yếu liệt sau phẫu thuật.
Bác sĩ Trần Xuân Anh vừa thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có mảnh rời lớn, chèn ép chùm thần kinh đuôi ngựa tầng L4-L5 gây yếu chân, đi lại khó khăn. Bệnh nhân thông qua Youtube đã biết đến phương pháp phẫu thuật can thiệp tối thiểu (MISS) và quyết định chọn BVĐK Tâm Anh để phẫu thuật.
Kỹ thuật phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu trên đường mổ khoảng 2 cm. Một chiếc ống nong dưới sự dẫn đường của hệ thống robot và cánh tay C-arm có khả năng chụp X-quang liên tục trong quá trình phẫu thuật sẽ đi vào tiếp cận với khu vực tổn thương. Tỷ lệ thành công của phương pháp này có thể lên đến 98% và thường không có biến chứng phức tạp, ít chảy máu, hạn chế nhiễm trùng. Sau 1-2 ngày phẫu thuật, người bệnh có thể sinh hoạt nhẹ nhàng và được xuất viện sớm.
Đồng thời với ca mổ của bệnh nhân áp dụng phương pháp MISS, khoa Thần kinh cột sống cũng thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp cho một bệnh nhân nam, lớn tuổi, ở giai đoạn nặng nhất của bệnh lý thoát vị đĩa đệm đó là hội chứng chùm đuôi ngựa. Bệnh nhân bị bí tiểu, phải đặt thông tiểu hơn 10 ngày, gần như mất cảm giác 2 chi dưới. Sau ca mổ 7 ngày, bệnh nhân đã tự đi lại và tiểu thông suốt. Thời gian phẫu thuật cột sống bằng kỹ thuật mới rất ngắn, chỉ khoảng 60-120 phút, giúp người bệnh tránh được biến chứng do bị gây mê quá lâu.
Để đánh giá tình trạng của cột sống, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm điện cơ, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng. Một số trường hợp sẽ được chỉ định làm thêm xét nghiệm máu, nếu có nghi ngờ người bệnh mắc các bệnh lý viêm toàn thân. Việc điều trị sẽ bắt đầu đầu bằng các phương pháp bảo tồn. Nếu không cải thiện, tình trạng bệnh kéo dài hơn 8 tuần, phát sinh biến chứng chèn ép dây thần kinh như tê bì, yếu chi, tê vùng hội , rối loạn tiểu tiện.... bác sĩ có thể xem xét chỉ định phẫu thuật cột sống.
So với phương pháp mổ cột sống truyền thống, kỹ thuật phẫu thuật mới mang đến nhiều ưu điểm. Bác sĩ tạo đường mổ nhỏ để đưa các dụng cụ phẫu thuật vào bên trong thực hiện các thao tác can thiệp. Người bệnh mất rất ít máu, tương đương 10ml máu thay vì 200-300ml như các phương pháp mổ mở kinh điển, giúp giảm tỷ lệ nhiễm trùng và rút ngắn thời gian hồi phục.
"Ngày nay mổ cột sống không còn quá phức tạp, nhưng để tránh phải phẫu thuật, mỗi người nên có ý bảo vệ sức khỏe cột sống. Đây là một cơ quan thuộc hệ vận động quan trọng của cơ thể, đồng nghĩa với việc cần được vận động thường xuyên. Mỗi người nên tập luyện thể dục thể thao vừa sức để tăng cường sự dẻo dai, hạn chế áp lực, làm chậm quá trình thoái hóa tự nhiên của cột sống", BS. Xuân Anh nhấn mạnh.
*Nguồn: Sưu Tầm