Thay đổi nhiệt độ và áp suất khi trời nắng nóng khiến các sụn ở khớp dễ mòn, giảm chất lỏng xung quanh khớp do mất nước, tăng nguy cơ cứng khớp.
Bà Nguyễn Thị Lụa (78 tuổi), ngụ tại Vĩnh Phúc, được chẩn đoán thoái hóa khớp gối cách đây 3 năm. Do nghĩ là bệnh tuổi già, bà trì hoãn điều trị. Những ngày gần đây, khi nắng nóng gay gắt đổ bộ, bà Lụa cảm thấy gối đau buốt, có dấu hiệu sưng to gây ảnh hưởng đi lại. Người nhà cho biết, cơn đau khớp của bà Lụa xuất hiện quanh năm nhưng nặng nhất vào mùa đông. Đây là lần đầu tiên các cơn đau dày đặc vào mùa hè, khiến bà đi lại khó khăn, ăn uống kém.
Theo ThS.BSCKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM , thời tiết nắng nóng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có các bệnh liên quan đến khớp. Hông, đầu gối, khuỷu tay đều có hoạt dịch, chất lỏng giống như gel bên trong. Hoạt dịch có vai trò bôi trơn, giữ cho các khớp di chuyển trơn tru. Khi nhiệt độ và độ ẩm thay đổi, độ dày hoạt dịch tăng lên lấp đầy khớp dễ gây viêm. Triệu chứng đầu tiên của viêm do thời tiết là cứng khớp, khó cử động. Tình trạng này ảnh đến người lớn tuổi nhiều hơn.
Trời nóng, cơ thể cũng mất nước qua tiết mồ hôi. Tình trạng này có thể làm giảm chất lỏng xung quanh khớp và gây đau. Bên cạnh đó, thời tiết nóng khiến mọi người ngại ra ngoài, ít vận động, các khớp ít hoặc không hoạt động dễ bị cứng, dẫn đến đau.
Người bệnh mắc thoái hóa khớp chịu ảnh hưởng trực tiếp của nắng nóng. Áp suất không khí thay đổi làm tăng khả năng bào mòn sụn ở khớp, các dây thần kinh cảm giác tại các khớp liên tục phản ứng, làm tăng nặng cơn đau.
Cũng theo bác sĩ Khoa, người bệnh viêm khớp dạng thấp thường thấy các đợt bùng phát bệnh tăng lên vào mùa đông. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng gây ảnh hưởng không ít đến người bệnh vào mùa hè. Việc sử dụng điều hòa suốt đêm, sau đó bước ra ngoài trời gây chênh lệch nhiệt độ. Sự thay đổi đột ngột này là yếu tố kích thích các đợt viêm bùng phát, gây đau nhức xương khớp.
"Uống bia giải khát vào mùa hè là thú vui phổ biến của nhiều người. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các khớp bị ảnh hưởng nhiều hơn. Rượu, bia chứa nhiều calo và đường bổ sung, làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, gây ra các triệu chứng đau, mệt mỏi, cứng khớp", bác sĩ Khoa nói.
Bác sĩ Khoa cũng lưu ý, xương cần được bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày để hoạt động ổn định. Nếu nắng nóng quá gay gắt, người bệnh, nhất là người già, có thể kén ăn hơn bình thường. Ăn uống quá ít, ăn không đủ chất dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết cho xương. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh xương khớp như thoái hóa khớp, loãng xương...
Để giúp xương khớp dễ chịu hơn vào mùa hè, bác sĩ Khoa khuyên mọi người điều chỉnh một số hoạt động lối sống, bao gồm:
Uống đủ nước: Nước và đồ uống thể thao hỗ trợ duy trì chất lỏng trong khớp, giúp các khớp hoạt động trơn tru hơn.
Quần áo: Mặc quần áo rộng rãi và làm bằng sợi tự nhiên giúp các khớp di chuyển tự do, thoải mái.
Thư giãn trong không khí mát mẻ: Ở trong nhà, điều chỉnh điều hòa ở chế độ mát và không chênh lệch nhiệt độ quá cao so với bên ngoài.
Tập thể dục: Thường xuyên vận động để thư giãn các khớp. Bạn nên ưu tiên chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe. Lưu ý bổ sung nước khi luyện tập.
Nguồn: Sưu tầm