Nghiên cứu mới cho thấy ngồi hơn 8 tiếng mỗi ngày có thể tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ lên 50%.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Hội Y khoa Mỹ (JAMA), ngày 20/6, do các nhà khoa học tại Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc và Đại học Simon Fraser thực hiện. Hơn 105.000 tình nguyện viên đến từ 21 quốc gia có độ tuổi trung bình là 50. Họ được theo dõi trong vòng 11 năm, ghi lại dữ liệu sức khỏe để phân tích các chỉ số.
Các chuyên gia nhận thấy người ngồi hơn 8 tiếng một ngày có nguy cơ tử vong vì bệnh tim nói chung cao hơn 20%. Những người ngồi nhiều giờ nhất, ít tập thể dục có tỷ lệ tử vong sớm vì đau tim hoặc đột quỵ cao hơn 50%.
"Thông điệp ở đây là hãy giảm thời gian ngồi một chỗ. Nếu bạn buộc phải ngồi nhiều (do tính chất công việc), bạn nên tập thể dục nhiều hơn vào các thời điểm khác trong ngày để giảm thiểu rủi ro", giáo sư Scott Lear, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Theo ông, những người ngồi trên 4 tiếng mỗi ngày nên dành ra ít nhất 30 phút để tập thể dục. Thói quen này giảm 2% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Giáo sư Lear cho rằng đây là vấn đề mang tính toàn cầu, song có cách khắc phục rất đơn giản.
"Hãy lên lịch để rời khỏi chiếc ghế của mình, đó là khởi đầu tuyệt vời", ông nói.
Theo khuyến nghị của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), người trưởng thành nên vận động cường độ trung bình trong khoảng 150 phút mỗi tuần hoặc tập luyện cường độ cao 75 phút mỗi tuần.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy ngồi quá nhiều có thể dẫn đến nhiều vấn đề mạn tính như béo phì, tim mạch, cao huyết áp và mức cholesterol không bình thường.
Nguồn: Sưu tầm