Ngồi máy bay từ 4 giờ trở lên, không di chuyển hay cử động cơ thể làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông, dẫn đến đột quỵ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ), mỗi năm, thế giới có hàng trăm triệu người di chuyển trên các chuyến bay đường dài (hơn 4 giờ). Khi đi du lịch đường dài, dù bằng máy bay, ô tô, xe buýt hay tàu hỏa..., nguy cơ hình thành cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu) dẫn đến đột quỵ có thể xảy ra.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) dẫn nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho thấy, nguy cơ hình thành cục máu đông khi ngồi trên các chuyến bay dài có thể tăng lên 26%.
Bác sĩ giải thích, các cục máu đông có thể hình thành trong tĩnh mạch sâu của chân nếu một người ngồi yên, không di chuyển hay vận động trong thời gian dài. Thời gian bất động càng lâu thì nguy cơ hình thành cục máu đông càng cao. Cục máu đông có thể gây tắc nghẽn dòng máu chảy, khiến lưu lượng máu lên não giảm mạnh, không đủ máu và oxy để cung cấp cho các tế bào thần kinh. Trong một số trường hợp, cục máu đông sẽ tự tan ra.
Càng lên cao, áp suất khí quyển càng giảm. Ngồi trên máy bay cũng làm giảm lượng oxy hít vào để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng thiếu hụt oxy thường không quá nghiêm trọng. Nhưng trong một số trường hợp, thiếu oxy có thể làm chậm lưu lượng máu chảy trong cơ thể và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Bác sĩ lưu ý, không phải trường hợp nào di chuyển đường dài cũng hình thành cục máu đông. Những người có nguy cơ thường bao gồm: người ở độ tuổi trung niên trở lên, béo phì, người mới gặp chấn thương hoặc phẫu thuật (trong vòng 3 tháng), người đang điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone, phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh con (trong vòng 3 tháng)... Những người có tiền sử gia đình bị cục máu đông, suy tĩnh mạch, đặt catheter (ống thông) tĩnh mạch hay đang điều trị các bệnh lý ung thư cũng có thể có nguy cơ.
Dấu hiệu hình thành cục máu đông có thể không rõ ràng. Tuy vậy, theo bác sĩ Minh Đức, một số người có thể có biểu hiện như tay chân sưng, cảm giác tê và đau tay chân, đỏ da, da trở nên ấm hơn khi chạm vào... Nếu cục máu đông di chuyển và gây thuyên tắc phổi sẽ có các biểu hiện như khó thở, đau tức ngực, nhịp tim không đều, tim đập nhanh hơn bình thường, ho ra máu, choáng váng, ngất xỉu... Nếu huyết khối tĩnh mạch làm giảm lưu lượng máu lên não có thể dẫn đến đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt hoa mắt, tê yếu tay chân,...
Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo, để phòng ngừa đột quỵ khi ngồi máy bay, nhất là với những chuyến bay dài, mỗi người nên cố gắng đi lại để vận động, tốt nhất là sau mỗi 1-2 giờ. Vận động giúp ngăn ngừa các vấn đề về đông máu như huyết khối tĩnh mạch sâu. Nếu bạn không thể đi lại vì chóng mặt hay vì một lý do nào đó thì nên thực hiện các động tác vận động chân tại chỗ như co duỗi chân, xoay cổ chân nhiều lần... để máu được lưu thông tốt hơn.
Trước chuyến bay và trong chuyến bay, mỗi người cần lưu ý chế độ dinh dưỡng lành mạnh, uống nhiều nước và cố gắng tránh các loại thực phẩm có chứa nhiều muối. Ăn nhiều thức ăn mặn gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ. Di chuyển đến sân bay sớm giúp bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn trước khi lên máy bay, tránh tình trạng gấp gáp, căng thẳng lo sợ trễ chuyến bay.
Trong suốt chuyến bay, nếu có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng bất thường như khó thở, đau đầu dữ dội, hoa mắt chóng mặt..., bạn nên thông báo nhanh với tiếp viên, nhờ sự hỗ trợ của những người xung quanh. Những người có tiền sử bị đột quỵ cần kiểm tra sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện chuyến bay tiếp theo. Bác sĩ dựa trên tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe hiện tại, thời gian chuyến bay để đưa ra lời khuyên thích hợp.
Người bệnh cần mang theo các loại thuốc dự phòng và để trong hành lý xách tay. Nếu bạn vừa điều trị đột quỵ hoặc các bệnh lý khác thì đem theo hồ sơ bệnh lý và để cùng với giấy tờ tùy thân để bác sĩ có thể nắm thông tin trong các trường hợp khẩn cấp.
*Nguồn: Sưu Tầm