Uống cà phê có thể có lợi trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh gout, giảm mức axit uric trong máu.
Gout bùng phát khi axit uric tích tụ nhiều trong cơ thể. Axit uric là một chất hóa học mà cơ thể tạo ra khi phân hủy purin. Axit uric có thể tìm thấy trong một số loại thực phẩm và đồ uống. Hầu hết axit uric đi qua nước tiểu, tuy nhiên, khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc không loại bỏ đủ, nó sẽ tích tụ trong máu, gây ra tình trạng tăng axit uric máu, dẫn đến bệnh gout với triệu chứng như sưng, đau, viêm khớp.
Các vấn đề về rối loạn chuyển hóa, thận, tuyến giáp là những yếu tố nguy cơ gây bệnh gout do cơ thể sản xuất axit uric quá mức. Thói quen ăn kiêng, uống nhiều rượu và ăn thực phẩm giàu purin (thịt đỏ và động vật có vỏ) hoặc fructose (đồ uống có đường), cũng có thể khiến nồng độ axit uric trong máu cao.
Nam giới, người thừa cân, béo phì, mắc một số bệnh lý mạn tính như suy tim sưng huyết, cao huyết áp, kháng insulin, hội chứng chuyển hóa, bệnh tiểu đường, mắc bệnh thận mạn tính, chức năng thận kém, nghiện rượu, ăn nhiều thực phẩm có đường fructose hoặc thực phẩm giàu purine là những đối tượng dễ mắc bệnh gout.
Theo các chuyên gia, cà phê có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gout bằng cách giảm nồng độ axit uric thông qua một số cơ chế. Cà phê có thể giảm nồng độ axit uric bằng cách tăng tốc độ cơ thể bài tiết chất này.
Cà phê cũng có thể cạnh tranh với enzyme phân hủy purin trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm tốc độ tạo ra axit uric. Ngoài ra, trong cà phê còn chứa nhiều loại hợp chất có lợi gồm khoáng chất, polyphenol và caffeine.
Nghiên cứu về quản lý bệnh gout và tăng axit uric máu không dùng thuốc do các chuyên gia của Khoa Đái tháo đường, Nội tiết và Chuyển hóa, Khoa Nội, Đại học Y khoa Hyogo (Nhật Bản), thực hiện năm 2017 cho thấy uống cà phê có liên quan đến việc giảm nồng độ axit uric, hạn chế đợt tăng axit uric trong máu.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện việc tiêu thụ cà phê có mối quan hệ đảo nghịch với nồng độ axit uric. Những người uống nhiều cà phê (khoảng 5 cốc mỗi ngày) có nồng độ axit uric thấp trong tổng số người tham gia nghiên cứu. Dù cả cà phê và trà đều được thử nghiệm, kết quả này chỉ áp dụng cho cà phê. Bằng chứng này cho thấy các hợp chất trong cà phê không phải là caffeine có thể đóng vai trò làm giảm nồng độ axit uric trong máu.
Một nghiên cứu khác về các yếu tố rủi ro đối với bệnh gout và cách phòng ngừa năm 2014, do chuyên gia của Trung tâm y tế Birmingham; Khoa Y, Đại học Alabama; Khoa Dịch tễ học, phẫu thuật chỉnh hình, khoa học sức khỏe tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Alabama, Birmingham (Mỹ) thực hiện cho thấy uống cà phê, nhưng không uống trà, có liên quan đến mức axit uric thấp.
Nhằm phòng bệnh gout, mỗi người cần thay đổi lối sống, duy trì cân nặng phù hợp, ăn kiêng theo chế độ DASH tránh cao huyết áp, không ăn thực phẩm chứa nhiều purin.
Dù bệnh gout không thể chữa khỏi nhưng bệnh nhân có thể đi khám để được bác sĩ tư vấn các phương pháp điều trị như tiêm khớp, dùng thuốc chống viêm không steroid, thay đổi chế độ ăn uống. Kiểm soát bệnh gout hiệu quả có thể giảm nguy cơ hình thành cục tophi (khối axit uric tích tụ trong khớp) và sỏi thận.
*Nguồn: Sưu Tầm