Đôi khi, trẻ đi khập khiễng chỉ là do đau mỏi hoặc chấn thương nhẹ, nhưng đó có thể là biểu hiện của tình trạng tiêu chỏm xương đùi, một bệnh khớp hiếm gặp.
Theo các chuyên gia, tiêu chỏm xương đùi là một tình trạng hiếm gặp, xảy ra khi có quá ít máu cung cấp cho phần hỏm xương đùi. Kết quả là phần đầu của xương đùi bị xẹp xuống và khu vực này bị viêm, kích ứng, xương này trở nên yếu và dễ gãy. Nguyên nhân của việc giảm lưu lượng máu tạm thời đến chỏm xương đùi vẫn chưa được xác định.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bao gồm: đi khập khiễng; đau hoặc cứng ở hông, háng, đùi hoặc đầu gối; phạm vi chuyển động của khớp hông hạn chế; cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi hoạt động và cải thiện khi nghỉ ngơi. Bệnh thường chỉ liên quan đến một bên hông. Tuy nhiên, một số ít trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng cả hai hông nhưng thường không xảy ra cùng một thời điểm.
Tiêu chỏm xương đùi có thể ảnh hưởng đến trẻ em ở hầu hết mọi lứa tuổi nhưng thường bắt đầu ở độ tuổi 4 - 10, tỷ lệ là 1:12.000 trẻ mắc bệnh. Bệnh phổ biến ở bé trai gấp 5 lần bé gái nhưng ở các bé gái mắc bệnh, tình trạng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở trẻ tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Số ít trường hợp bệnh tiêu chỏm xương đùi dường như có liên quan đến đột biến ở một số gen nhất định nhưng cần nghiên cứu thêm.
Thông thường, khi gặp tình trạng bệnh này, cơ thể sẽ hấp thụ các tế bào xương chết và thay thế chúng bằng tế bào xương mới. Nguồn cung cấp máu trở lại và chỏm xương đùi sẽ lành lại nhưng hình dạng của nó sẽ thay đổi và không còn di chuyển trơn tru trong hố hông. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây viêm khớp sau này.
Trẻ em bị tiêu chỏm xương đùi có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp háng cao hơn khi trưởng thành, đặc biệt nếu khớp háng lành lại có hình dạng bất thường. Nếu xương hông không khít với nhau sau lành, khớp có thể bị mòn sớm. Nhìn chung, trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh sau 6 tuổi có nhiều khả năng phát triển các vấn đề về hông trong tương lai. Do đó, trẻ càng nhỏ, càng có nhiều cơ hội để khớp hông lành lại ở hình dạng tròn trịa, bình thường.
Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu thấy con đi khập khiễng hoặc kêu đau hông, háng hay đầu gối; con bị sốt hoặc không thể chịu được sức nặng ở chân. Xương của trẻ lành nhanh và có khả năng tự sửa chữa tốt nên chẩn đoán sớm giúp tăng cơ hội điều trị và tăng thời gian để đầu xương đùi của trẻ tự biến đổi thành hình tròn.
Việc điều trị cho trẻ tùy thuộc vào độ tuổi, phạm vi chuyển động ở hông và mức độ của tình trạng bệnh. Bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp dựa trên mức độ đau hông, cứng khớp và phần đầu của xương đùi đã bị xẹp. Các phương pháp điều trị không phẫu thuật gồm: hạn chế hoạt động; dùng thuốc chống viêm; nghỉ ngơi... hay vật lý trị liệu để giữ cho cơ hông khỏe và thúc đẩy chuyển động của hông.
Nếu các phương pháp điều trị này không đạt hiệu quả cao, trẻ cần phẫu thuật. Bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật cắt xương đùi nhằm điều chỉnh chỏm xương đùi khớp với bên trong ổ khớp háng. Phần lớn trẻ em sau điều trị bệnh này đều có thể đi lại, vui chơi, phát triển và có một cuộc sống năng động.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi điều trị thành công, một số trẻ vẫn phát triển các vấn đề về hông khi lớn lên. Vì vậy, nhiều người mắc bệnh tiếp tục được bác sĩ chuyên khoa tiếp tục chăm sóc và theo dõi cho đến tuổi trưởng thành.
Nguồn: Sưu tầm