Đau vai có thể là triệu chứng của bệnh cứng vai, viêm gân vôi hóa hay trật khớp vai và phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Cấu tạo của khớp vai gồm có 3 xương: xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Ngoài ra còn có khớp ức đòn và xương đòn. Hai khớp này đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, giúp cơ vai trở nên linh hoạt hơn. Khi các khớp này bị tổn thương có thể dẫn đến đau vai.
Đau vai là một bệnh khá phổ biến. Thống kê tại Mỹ cho thấy hơn 2 triệu người gặp vấn đề về các cơn đau vai mỗi năm. Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra đau vai, trong đó có thể do một số bệnh lý sau:
Cứng vai
Tình trạng này còn được gọi là viêm co rút khớp vai. Khi đó, các mô quanh khớp vai dày và sưng lên dẫn đến tình trạng cứng khớp và đau liên tục, thậm chí không thể cử động. Cứng vai thường không rõ nguyên nhân nhưng chủ yếu là do không vận động trong thời gian dài như bó bột, nẹp cố định phần vai,...
Viêm gân vôi hóa
Viêm gân do vôi hóa xảy ra khi các tinh thể canxi lắng đọng trong gân, thường gặp nhất là vùng vai. Tình trạng này gây ra cơn đau nhức vai vào ban đêm hay khi vùng bả vai hoạt động mạnh.
Viêm xương khớp vai
Bệnh gây nên các cơn đau nhức vùng vai dữ dội kèm theo biểu hiện cứng khớp. Viêm khớp vai có thể do tình trạng chấn thương ở cánh tay, cổ hoặc vai xảy ra trước đó như tập tạ hay mang vác vật nặng, từ đó khiến cho việc cử động ở vùng vai gặp khó khăn hơn.
Trật khớp vai
Xảy ra khi chỏm xương cánh tay tách ra khỏi xương bả vai. Khi bị trật khớp vai, các dây chằng tại vị trí đó bị tổn thương và gây ra các cơn đau dữ dội, thậm chí không thể cử động.
Bệnh lý khác
Không phải các cơn đau vai đều do một trong số các khớp liên quan tới vai bị tổn thương. Đau ở vùng vai nói chung thường khó xác định, đôi khi có thể liên quan đến thoát vị đĩa đệm ở cổ, bệnh túi mật, cơn đau tim, chảy máu từ gan hoặc lá lách. Nên đến gặp bác sĩ ngay nếu tình trạng đau vai diễn tiến nặng hoặc gồm một trong số triệu chứng như đau vai gây biến dạng khớp, không thể sử dụng cánh tay để mang vác đồ vật, không thể cử động cánh tay, đặc biệt là phần vai, đau vai kéo dài nhiều ngày, có các dấu hiệu của nhiễm trùng như sốt, đỏ và nóng tại vị trí đau,sưng hoặc bầm tím xung quanh khớp vai hoặc cánh tay.
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân và tình trạng bệnh thông qua kiểm tra nhanh một vài hoạt động thể chất tại chỗ như ấn vào các vị trí trên vai, kiểm tra hoạt động của cánh tay, bả vai,... Bên cạnh đó, các phương pháp chẩn đoán như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), hay siêu âm ổ bụng, điện tâm đồ cũng sẽ được chỉ định nếu nghi ngờ nguyên nhân do bệnh lý nào đó.
Bệnh đau vai thường được điều trị theo nguyên nhân. Trong trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp như chườm đá, chườm nóng để giảm sưng, đau kết hợp phương án nghỉ ngơi hợp lý. Nếu tình trạng bệnh nặng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp vật lý trị liệu, dùng thuốc uống giảm đau, thuốc tiêm hay thậm chí phẫu thuật.
*Nguồn: Sưu Tầm