Tư thế ngồi sai, dây thần kinh bị chèn ép hoặc viêm khớp là những nguyên nhân dẫn đến các cơn đau hông.
Hông bao gồm vị trí khớp nơi xương chậu và xương đùi gặp nhau. Tuy nhiên, theo tuổi tác, lớp sụn ở hông có thể bị bào mòn hoặc hư hỏng. Từ đó khiến gân, cơ ở hông phải hoạt động quá mức cho phép và hình thành nên các cơn đau hông. Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về những rối loạn Hệ Thần kinh và Đột Quỵ Mỹ, các cơn đau hông sẽ có cường độ từ đau âm ỉ đến cảm giác buốt. Về lâu dài, chúng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống. Do đó, việc nhận biết sớm cơn đau có thể giúp giảm thiểu các cơn đau và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Thủ phạm gây đau hông
Ngồi sai cách: Tư thế không đúng hoặc ngồi cúi người là nguyên nhân phổ biến gây đau hông. Bởi khi ngồi sai, phần hông bên phải sẽ bị gây áp lực nhiều hơn. Đặc biệt, nếu ngồi trên những chiếc ghế quá mềm như sofa hoặc giường ngủ sẽ khiến cơ thể bị nghiêng qua một bên và dồn áp lực lên phần hông còn lại.
Bắt chéo chân: Khu vực hông thường có nhiều sợi dây thần kinh trong đó có thần kinh tọa. Khi ngồi vắt chéo chân quá lâu sẽ gây ra hiện tượng co kéo sợi dây thần kinh tọa và dẫn tới bị tổn thương, đau và tạo thêm áp lực lên một hoặc cả hai hông. Ngoài ra, theo Healthline tư thế nằm nghiêng quá lâu cũng có thể gây áp lực lớn lên hông và gây đau khi ngồi.
Viêm khớp: là một nguyên nhân phổ biến khác của đau hông. Theo các chuyên gia, bệnh lý này có thể khiến lớp sụn bảo vệ của khớp háng bị mòn. Từ đó dẫn đến tình trạng đau nhức khi ngồi do phải gập khớp háng khi ngồi. Các loại viêm khớp ở khớp háng bao gồm: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm bao hoạt dịch,...
Viêm gân: Gân là những dải mô dày gắn xương với các cơ. Nếu ngồi quá lâu, đặc biệt là tư thế ngồi không tốt sẽ dẫn đến các gân ở hông bị căng thẳng quá mức. Điều này có thể dẫn đến viêm gân hoặc viêm gân hông. Viêm gân có thể gây đau hông khi ngồi, đi lại và nằm xuống.
Dây thần kinh bị chèn ép: Dây thần kinh tọa ở lưng chạy qua mông, hông và chân. Một dây thần kinh ở lưng dưới bị chèn ép hoặc bị tổn thương có thể dẫn đến đau hông khi ngồi. Đặc biệt, nó còn có thể gây đau nhói ở các cơ xung quanh mông và hông khi ngồi hoặc nằm.
Cách khắc phục cơn đau hông
Theo các nhà khoa học, chứng đau hông có thể khắc phục và ngăn ngừa bằng cách thay đổi những thói quen hằng ngày.
Ngồi đúng tư thế và luôn dùng thêm đệm hỗ trợ lưng để cải thiện tư thế khi ngồi. Tránh ngồi trên bề mặt quá cứng hoặc quá mềm để cân bằng áp lực, từ đó thoát khỏi tình trạng đau khớp háng khi ngồi.
Nếu tính chất công việc phải ngồi nhiều trong thời gian dài, hãy mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát. Hạn chế ngồi chéo chân và cố gắng giữ chân chạm sàn khi ngồi.
Thường xuyên dành vài phút tập thể dục để giúp cơ thể và các cơ, khớp được thư giãn. Đặc biệt, những người bị đau hông do viêm khớp nên tập các bài tập tác động thấp để rèn luyện sức đề kháng, kéo giãn cơ có thể để cải thiện khả năng vận động của khớp.
Trong trường hợp bị đau, người bệnh có thể áp dụng các giải pháp như chườm nóng, chườm lạnh hoặc xoa bóp với thuốc giảm đau và tinh dầu lên vùng bị đau.
Nguồn: Sưu Tầm