Người bệnh có thể có các dấu hiệu khác nhau tùy từng giai đoạn của đau nửa đầu như khát nước dữ dội, thèm ăn, dễ cáu kỉnh, mệt mỏi, cứng cơ…
Đau nửa đầu là tình trạng các cơn đau đầu dữ dội, cảm giác nhói theo từng đợt, xuất hiện ở một bên đầu và đi kèm với cảm giác buồn nôn, rối loạn thị lực, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
BS.CKII Trần Lê Thanh Tâm, Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tần suất của chứng đau nửa đầu có thể xảy ra 1-3 lần mỗi tuần. Nếu cơn đau nửa đầu tăng lên nhiều, ví dụ trên 10 lần một tháng có thể trở thành mạn tính và không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Phụ nữ thường có nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu cao hơn nam giới khoảng 3 lần. Độ tuổi trung bình có tỷ lệ đau nửa đầu cao nhất là từ 40-45 tuổi. Sau 45-50 tuổi, tỷ lệ đau nửa đầu giảm dần.
Chứng đau nửa đầu có 4 giai đoạn gồm giai đoạn tiền triệu, giai đoạn aura, giai đoạn tấn công và giai đoạn sau cơn đau nửa đầu. Theo bác sĩ Thanh Tâm, tùy giai đoạn mà có các dấu hiệu khác nhau nên người bệnh cần lưu ý.
Giai đoạn tiền triệu: Giai đoạn này thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày trong khoảng thời gian từ 24-48 giờ trước khi cơn đau đầu chính thức xuất hiện. Bác sĩ Thanh Tâm dẫn các nghiên cứu cho thấy có hơn 70% bệnh nhân bị bệnh đau nửa đầu trải qua giai đoạn tiền triệu này. Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng của thần kinh thực vật như: khát dữ dội, thèm ăn một số món nhất định hoặc chán ăn, thay đổi tâm trạng, dễ nổi nóng và cáu kỉnh, mệt mỏi, ngáp nhiều hơn, cảm thấy cứng cơ, nhất là cơ ở vùng cổ. Táo bón hoặc tiêu chảy, hay mắc tiểu, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi cũng là những dấu hiệu phổ biến.
Giai đoạn aura: Các triệu chứng thường kéo dài từ 5 phút đến 60 phút và được đặc trưng bởi các triệu chứng thần kinh khu trú. Chỉ có từ 10-25% bệnh nhân đau nửa đầu trải qua giai đoạn Aura. Có hai loại triệu chứng điển hình của giai đoạn này. Thứ nhất là triệu chứng Aura thị giác, gây nhiều rối loạn trong tầm nhìn như: xuất hiện điểm mù, mất thị lực tạm thời ở một hoặc cả hai mắt, cảm giác như đang nhìn vật thể qua nước hoặc sóng nhiệt khiến hình ảnh bị méo mó, nhìn thấy những đốm sáng màu giống đèn nhấp nháy.
Thứ hai là triệu chứng aura giác quan - vận động. Đây là nhóm triệu chứng gây nên những xáo trộn bất thường trong mọi nhận thức giác quan và khả năng vận động. Những người bệnh có thể thấy ảo giác, nhìn, nghe hoặc ngửi những thứ không thực sự có, bị tê bì chân tay, cảm giác da như có kim châm, ngứa ran, rối loạn vận động, yếu một phần cơ thể, một tay hoặc một chân. Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, bụng khó chịu, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, nói lầm bầm, nói lắp, khó tìm từ để nói... cũng là những triệu chứng của aura giác quan - vận động.
Giai đoạn tấn công: Giai đoạn tấn công kéo dài từ 4 đến 72 giờ, với các triệu chứng bao gồm: đau nhói chỉ xảy ra ở một nửa đầu và trở nên trầm trọng hơn khi di chuyển, nhạy cảm với ánh sáng, mùi, âm thanh, chuyển động và xúc giác, thị lực sa sút, xuất hiện ảo giác, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng, nôn nao, căng cứng ở vai và cổ, hay ngáp, dễ cáu kỉnh.
Giai đoạn sau cơn đau nửa đầu (postdrome): Đây là giai đoạn cuối cùng của cơn đau đầu migraine. Theo bác sĩ Thanh Tâm, có đến 80% bệnh nhân đã trải qua giai đoạn này, kéo dài trong 24–48 giờ sau khi cơn đau nửa đầu chấm dứt. Các triệu chứng điển hình bao gồm: cơ thể đau nhức, cảm thấy kiệt sức, yếu đuối, gây hoang mang, khó tập trung, chóng mặt, trầm cảm. Một số người nhận thấy rằng cử động đầu đột ngột hoặc di chuyển nhanh có thể khiến cơn đau nửa đầu quay trở lại, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.
Bệnh đau nửa đầu tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cần được cấp cứu như: động kinh, đột quỵ do nhồi máu tĩnh mạch, hội chứng serotonin (gây kích động, lú lẫn, tiêu chảy, cơ co giật và tim đập nhanh), đau dạ dày do dùng thuốc...
Người bệnh có thể hạn chế hoặc cắt ngắn cơn đau, làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của bệnh tại nhà. Các biện pháp khắc phục tại nhà bao gồm: nghỉ ngơi trong một căn phòng tối và yên tĩnh, sử dụng một miếng gạc lạnh để chườm lên vùng bị đau, uống nhiều nước, ngủ đúng giờ và đủ giấc, dùng thuốc giảm đau không kê đơn...
Nếu các phương pháp cải thiện tại nhà không hiệu quả và cơn đau nửa đầu xảy ra từ 4 ngày trở lên trong tháng, người bệnh nên đi khám tại các chuyên khoa thần kinh để được tư vấn, điều trị cụ thể.
Nguồn: Sưu tầm