Nghĩ thoái hóa cột sống là bệnh người già, nhiều người trẻ bỏ qua dấu hiệu cảnh báo ban đầu dẫn đến hệ lụy khó lường.
Thoái hóa cột sống là tình trạng khi lớp sụn khớp mòn dần, các đầu xương đốt sống sẽ trực tiếp ma sát với nhau khi cơ thể vận động và gây viêm, từ đó dẫn đến sưng bao hoạt dịch khớp và khô khớp do dịch khớp tiết ra bị hạn chế.
Cột sống đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thể chất thường ngày của một người, đồng thời chống đỡ trọng lượng cơ thể. Việc chống đỡ áp lực quá lớn hoặc diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến lớp sụn khớp, phần xương dưới sụn cũng như đĩa đệm cột sống bị tổn thương, bào mòn dẫn đến thoái hóa.
Anh Phạm Văn Thạch (30 tuổi, trú Thanh Oai, Hà Nội) trong những lần khám sức khỏe định kỳ trước được bác sĩ cảnh báo thoái hóa đốt sống L1-L5. Tuy nhiên do tình trạng thoái hóa nhẹ, chưa gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt nên anh Thạch bỏ qua điều trị.
Những ngày gần đây anh Thạch cảm thấy khu vực cổ, vai, lưng trên và lưng giữa đau nhức khó chịu, cơn đau ảnh hưởng đến đầu khiến anh không thể tập trung làm việc. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị thoái hóa đốt sống cổ, tình trạng đau đầu, chóng mặt do các động mạch gần đốt sống bị chèn ép.
Theo bác sĩ CK1 Kim Thành Tri, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, nếu như trước đây, thoái hóa cột sống chỉ là một trong những hệ lụy thường gặp của tuổi già thì nay thoái hóa cột sống đang có xu hướng trẻ hóa bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đáng chú ý, nhiều người trẻ khi có các dấu hiệu thoái hóa đốt sống thường chủ quan, để đến khi cơn đau làm ảnh hưởng đến cuộc sống mới tìm đến bác sĩ. Việc chậm trễ này gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Biến chứng nguy hiểm của thoái hóa cột sống
Bác sĩ Thành Tri, cho biết nếu không được kiểm soát và điều trị hiệu quả kịp thời, các đốt xương sống bị thoái hóa có thể kéo theo hàng loạt biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Trong đó, bác sĩ cảnh báo các biến chứng phổ biến bao gồm:
Gai cột sống
Khi lớp sụn khớp bị bào mòn, cơ thể sẽ tiến hành cơ chế tự chữa lành thương tổn bằng cách kích thích gai xương hình thành tại đây. Sự phát triển của gai cột sống không chỉ làm biến dạng đầu xương đốt sống mà còn có khả năng ảnh hưởng đến mô mềm và rễ thần kinh xung quanh.
Thoát vị đĩa đệm
Thoái hóa cột sống cũng có thể gây tổn thương đĩa đệm. Khi lớp bao bên ngoài bị rách hoặc nứt do tổn thương, nhân nhầy sẽ thoát ra và khiến đĩa đệm trượt khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm. Một số trường hợp hiếm gặp, thoát vị đĩa đệm còn có thể tác động lên đám rối thần kinh đuôi ngựa (cauda equina), dẫn đến biến chứng mất kiểm soát ruột, bàng quang hoặc thậm chí là rối loạn chức năng tình dục.
Chèn ép rễ thần kinh
Gai xương và đĩa đệm bị thoát vị có khả năng chèn vào các rễ thần kinh gần đó gây đau và tê ngứa tay chân, đôi khi còn dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng hơn như: đau thần kinh tọa; hội chứng cổ vai gáy; thương tổn thần kinh vĩnh viễn gây tàn phế.
Một số biến chứng khác bệnh nhân cũng có thể gặp phải như đau đầu, chóng mặt, chèn ép tủy sống dẫn đến đau yếu tứ chi, vận động khó khăn hoặc thậm chí là liệt.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh
Bác sĩ Thành Tri khuyến cáo mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, nên tự trang bị kiến thức đủ và đúng về thoái hóa cột sống để chủ động hơn trong việc phát hiện, kiểm soát và điều trị hiệu quả, đồng thời hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ bệnh xảy ra. Không nên chủ quan khi có tình trạng thoái hóa đốt sống.
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh nếu xuất hiện, mọi người nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt, như:
Cột sống cứng và kém linh hoạt, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc sau khi người bệnh ngồi lâu, gây khó khăn cho việc duy trì tư thế tốt.
Có âm thanh lạo xạo, lục cục mỗi khi bệnh nhân cúi người hoặc ưỡn ngực, thường liên quan đến tình trạng khô khớp do thiếu dịch nhờn.
Người bệnh có xu hướng gù hoặc cong vẹo cột sống.
Khu vực có đốt sống bị viêm có thể sưng đau và mềm, ấm khi sờ vào.
*Nguồn: Sưu Tầm