Người bệnh viêm khớp nên lựa chọn bài tập phù hợp với thể trạng, tránh các động tác chạy nhảy, ngồi xổm, đi bộ đường dài..., gây áp lực lên các khớp.
Viêm khớp là tình trạng viêm một hoặc nhiều khớp, đi kèm với những triệu chứng thường gặp như đau, sưng và cứng khớp. Có hơn 100 loại viêm khớp với những nguyên nhân và phương pháp điều trị khác nhau, trong đó 2 dạng phổ biến nhất là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.
Triệu chứng và dấu hiệu của mỗi loại viêm khớp có thể giống hoặc không giống nhau tùy vào mức độ nặng nhẹ và từng giai đoạn của bệnh lý, nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp ở phụ nữ cao hơn nam giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, viêm khớp ở người trẻ tuổi đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp...
Viêm khớp nếu không điều trị sớm dễ diễn biến nặng theo thời gian, gây tổn thương khớp vĩnh viễn, tàn tật. Do đó, nhiều người chủ động tìm các bài tập để tránh tổn thương xương, khớp. Tuy nhiên, một số bài tập có thể gây hại cho khớp như chạy, nhảy, ngồi xổm sâu, uốn cong người, leo cầu thang, đi bộ đường dài, đứng lâu với một tư thế. Khi tập nặng, các khớp phải chịu áp lực, ma sát, kích thích liên tục khiến các cơ không đủ sức để hỗ trợ. Vì vậy, người bệnh viêm khớp nên tránh những môn thể thao, hoạt động ngoài trời đòi hỏi sử dụng khớp tay nhiều, kéo dài như quần vợt, cử tạ, chống đẩy..., khiến tình trạng viêm xương khớp cổ, vai trở nên trầm trọng.
Theo các chuyên gia, dù một số bài tập nặng có thể gây hại cho khớp, tập thể dục đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương cơ, khớp, giảm áp lực cho các khớp chịu trọng lượng lớn của cơ thể như hông, đầu gối. Đặc biệt, khi tập thể dục thường xuyên người bệnh có thể giảm mức cholesterol, đường huyết, chất béo...
Người bệnh viêm khớp nên lựa chọn những bài tập dưới đây để cải thiện sức khỏe:
Luyện sức bền: Bài tập này tạo cơ hội để các cơ hấp thụ lực, duy trì sự cân bằng cơ bắp, hỗ trợ chức năng của các khớp, giảm áp lực lên khớp bị tổn thương. Người bệnh có thể tập luyện phối hợp các nhóm cơ gồm cơ mông, cơ tứ đầu, cơ vòng ngoài (lưng trên, vai), cơ bụng, tăng độ khó của bài tập theo thời gian.
Aerobic: Thể dục nhịp điệu giúp cơ thể duy trì cân nặng hợp lý, giảm áp lực tại khớp hông, đầu gối. Thống kê cho thấy người thừa cân khi giảm chỉ 5% trọng lượng cơ thể thì các triệu chứng viêm xương khớp đã cải thiện rõ rệt.
Giãn cơ: Khả năng vận động, tính linh hoạt của khớp tăng đáng kể nếu người bệnh tập các động tác giúp giãn cơ 30-60 giây, lặp lại ít nhất 3 lần.
Đi bộ: Thường xuyên đi bộ nhẹ nhàng có thể cải thiện lưu lượng máu trong cơ thể, giảm cân, tránh viêm khớp, tăng cường sức mạnh cơ chân.
Tập luyện dưới nước: Các bài tập dưới nước giúp giảm áp lực tác động lên các khớp, tăng khả năng và phạm vi vận động.
Khi bắt đầu một hoạt động thể chất mới hoặc tăng số lần tập thể dục, mỗi người nên điều chỉnh dần dần. Điều này giúp cơ thể thích nghi với sự thay đổi, không gây căng thẳng cho các khớp và cơ.
Nếu các triệu chứng viêm xương khớp ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, tăng nặng theo thời gian, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ vật lý trị liệu. Lúc này, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ đánh giá khả năng vận động khớp, phạm vi chuyển động, sức mạnh và chất lượng của chuyển động hàng ngày để đưa ra kế hoạch tập luyện phù hợp với từng người. Cùng với đó, bệnh nhân cần lưu ý thông tin với bác sĩ về tình trạng sức khỏe trước khi tập thể dục hoặc vật lý trị liệu. Điều này sẽ giúp người bệnh đảm bảo đủ sức khỏe để luyện tập, tránh tai nạn hoặc những biến chứng khó lường.
Nguồn: Sưu tầm